Rắc rối từ việc Quốc hội Séc phế truất Chính phủ

Rắc rối từ việc Quốc hội Séc phế truất Chính phủ
TP - Tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Cộng hòa Séc Mirek Topolanek, Quốc hội Séc đã phế truất toàn bộ Chính phủ trung hữu hiện nay gây ra nhiều rắc rối đối với Liên minh Châu Âu (EU).
Rắc rối từ việc Quốc hội Séc phế truất Chính phủ ảnh 1

Thủ tướng bị phế truất Mirek Topolanek - Ảnh: Lagrandeepoque.com

Các hãng tin từ Prague cho biết, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ Séc diễn ra tại Hạ viện tối 24/3 (giờ VN), các nghị sĩ phe phản đối Thủ tướng Mirek Topolanek gom được 101 phiếu bất tín nhiệm Chính phủ trong tổng số 200 nghị sĩ hạ viện. Con số này vừa đủ quá bán cần thiết theo Hiến pháp để phế truất chính phủ đương nhiệm.

Liên minh cầm quyền cánh hữu của Thủ tướng Mireck Topolanek gồm Đảng Dân chủ Dân túy (ODS), Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDU-CSL) và Đảng Xanh, chiếm giữ 96 ghế hạ viện.

Trong khi đó, phe đối lập gồm Đảng Xã hội Dân chủ và Đảng Cộng sản Séc chiếm giữ 97 ghế, số còn lại gồm bảy ghế thuộc các nghị sĩ tự do.

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Thủ tướng Mirek Topolanek thừa nhận thất bại. Ông nói: “Tôi chấp nhận kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm và tôi sẽ hành động phù hợp với Hiến pháp. Cám ơn”. Thủ tướng Mirek Topolanek cho biết ông sẽ chính thức nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Cộng hòa Séc vào ngày 26/3.

Việc chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Mirek Topolanek bị phế truất gây ra sự rắc rối lớn cho quan hệ giữa Cộng hòa Séc và EU vì Séc đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU. Nhiệm kỳ Chủ tịch EU  sáu tháng của Cộng hòa Séc phải ba tháng nữa mới hết hạn.

Thời gian còn lại ông Mirek Topolanek sẽ điều hành EU thế nào một khi ông không còn là Thủ tướng Séc nữa. Được tin về kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Mirek Topolanek, Ủy ban Châu Âu bày tỏ hy vọng Cộng hòa Séc sẽ tìm được giải pháp để vai trò chủ tịch luân phiên EU của nước này vẫn đảm bảo hiệu quả.

Trên kênh truyền hình CT-24 của Séc, Thủ tướng Mirek Topolanek nói kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của ông làm suy yếu vị trí của Cộng hòa Séc trong vai trò cầm lái EU.

Sự kiện giống như giọt nước làm tràn ly, dẫn đến việc Chính phủ bị phế truất, là một cố vấn của Thủ tướng Mirek Topolanek gây bất bình cho công chúng. Ông này công khai gây sức ép với truyền hình quốc gia, nhằm loại bỏ một chương trình truyền hình đang chỉ trích một nghị sĩ Đảng Xã hội Dân chủ quay sang ủng hộ liên minh cầm quyền.

Cũng trên kênh truyền hình CT-24, Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Jiri Paroubek cho biết, Chính phủ của Mirek Topolanek sẽ tiếp tục điều hành cho đến hết ngày 30/6 để hoàn thành nhiệm vụ của chủ tịch luân phiên EU. Sau đó Cộng hòa Séc sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn để lập ra một chính phủ mới.

Uy tín của liên minh cầm quyền trung hữu do Thủ tướng Mirek Topolanek đứng đầu thời gian gần đây liên tục giảm sút. Uy tín của Thủ tướng Mirek Topolanek xuống thấp đến mức, hồi đầu tháng ba, Chính phủ phải rút dự luật  đã đưa ra Quốc hội để chuẩn bị thông qua về việc cho phép Mỹ triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa trên đất Séc vì sợ không được đa số ủng hộ.

Ngoài ra, dân chúng Séc còn bất bình với Chính phủ vì một số vụ bê bối tham nhũng và vì Thủ tướng Mirek Topolanek đưa ra kế hoạch cải cách y tế và phúc lợi xã hội gây khó cho những người thu nhập thấp.

MỚI - NÓNG