Răng cứng lưỡi mềm

TP - Nói đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc (TQ) trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực là nói đến vai trò làm chủ và chủ động giải quyết các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ này. 

Hiện nay, quan hệ ASEAN - TQ chưa thể đóng vai trò quyết định trong việc định hình môi trường an ninh khu vực, do có sự tác động từ yếu tố bên ngoài và những tồn tại của chính mối quan hệ này, nhưng các bên chưa đủ cơ chế để giải quyết.

Đối với TQ, việc kiên quyết đòi hỏi quyền lợi trên biển Đông, bất chấp quan hệ với các nước láng giềng là bước đi đầy tham vọng, nhưng thiếu tính toán toàn diện. Nếu TQ có sự mềm hóa và nhún nhường nhất định trong việc thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền thì quan hệ ASEAN - TQ sẽ tốt đẹp và đây là động lực và môi trường lý tưởng cho TQ dành ưu tiên cho những kế hoạch lớn hơn. 

Một khi sân sau và môi trường xung quanh ổn định thì việc xưng bá hay khẳng định vị thế với Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Nếu TQ tự làm mất niềm tin và uy tín của mình, tạo ra sự cảnh giác đối với các nước và điều này đi vào tiềm thức thì Mỹ hoàn toàn có cơ hội để tác động và thực hiện các biện pháp ảnh hưởng việc thực hiện các chủ trương chiến lược của TQ.

Các nước ASEAN và TQ có nhiều mục tiêu chung, đều chịu sự tác động từ bên ngoài. Những tác động từ bên ngoài đối với TQ hay những vận động tự thân của TQ có tác động mang tính quyết định đối với các nước ASEAN và ngược lại. 

Để ASEAN và TQ cùng nhau xây dựng vận mệnh chung, các bên cần phải thực hiện nhiều bước, bao gồm xây dựng niềm tin chính trị để tạo đà cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác tiếp theo; thiết lập các cơ chế hợp tác mang tính ràng buộc lẫn nhau, việc đơn phương chấm dứt hay thực thi thiếu hiệu quả các cam kết sẽ đem đến thiệt hại cho chính nước đó; tôn trọng yếu tố lợi ích, quyền lợi của các nước thông qua những cam kết, quy tắc mang tính pháp lý, ràng buộc chặt chẽ…

Với vai trò nước lớn và chủ động thực hiện bước đi mang tính mềm dẻo, thể hiện sự tôn trọng với các nước khác, hy sinh một lợi ích nhỏ thì sẽ làm cho các nước còn lại sẵn sàng thúc đẩy các giải pháp cải thiện quan hệ và việc đảm bảo lợi ích của TQ trong dài hạn sẽ thực hiện được. 

Sức mạnh kinh tế và quân sự của TQ là quá rõ ràng, không phải bàn cãi, nhưng trong một thế giới đang vận hành theo hướng hòa nhập sâu rộng thì yếu tố sức mạnh cơ bắp không còn là nỗi khiếp sợ của các nước, mà chỉ tạo ra tâm lý đề phòng…

Lão Tử, triết gia nổi tiếng người Trung Quốc, từng nói, người ta đi hết cuộc đời, răng rụng hết, nhưng lưỡi còn nguyên, vì răng thì cứng, lưỡi thì mềm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.