Robot - máy bay thế hệ mới của Mỹ

Robot - máy bay thế hệ mới của Mỹ
TP - Ngày 15/3/2008, Bộ quốc phòng Mỹ đưa tin, đang thực hiện các đề án đầy triển vọng nhằm chế tạo các kiểu robot-máy bay tự hoạt thế hệ mới, chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh chớp nhoáng trong tương lai trên quy mô toàn cầu.
Robot - máy bay thế hệ mới của Mỹ ảnh 1
Robot-máy bay Killer-Bee

Kiểu đầu tiên thuộc thế hệ robot-máy bay được đặt tên “Rapid Eye” sẽ thực hiện các hoạt động do thám đường không tại bất kỳ điểm nào trên Trái Đất trong vòng vài phút sau khi nhận được lệnh phát động chiến tranh.

Kiểu thứ hai mang tên “Vulture” sẽ thực hiện các chuyến bay liên tục không cần hạ cánh trong suốt thời gian 5 năm liền!

Cơ sở của đề án “Rapid Eye” là ý tưởng sử dụng những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được dỡ bỏ vũ khí hạt nhân để đưa robot-máy bay đến bất kỳ điểm nào trên hành tinh trong vòng một giờ.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, robot-máy bay sẽ được lắp cánh gập hoặc cánh xếp để có thể lắp gọn trong khoang đầu đạn của tên lửa. Sau khi rời khỏi khoang đầu đạn ở một điểm đã định do chương trình máy tính điều khiển, robot-máy bay sẽ tự động thực hiện các nhiệm vụ do thám ở quĩ đạo cách Trái Đất khá xa trong suốt 7 giờ liền mà không cần tiếp dầu.

Trong đề án thứ hai, DARPA sẽ chế tạo khí tài bay để điều động đến khu vực xảy ra khủng hoảng sau khi đã sử dụng máy bay không người lái “Rapid Eye”.

Về thực chất, “Vulture” là khí tài kết hợp giữa máy bay và vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp, có trọng lượng 450 kg và sải cánh từ 100-150 m, được lắp động cơ và hệ thống điều khiển hoạt động được nhờ năng lượng Mặt Trời. Rất có thể, chúng sẽ được lắp động cơ nguyên tử và hệ thống tiếp dầu trên không.

Theo nhận xét của chuyên gia robot-máy bay Daniel Newman, những đề án này sẽ thay đổi căn bản quan điểm về máy bay quân sự.

Hiện nay, có khả năng bay lâu nhất là máy bay do thám chiến lược không người lái “Global Hawk” do hãng Northrop Grumman chế tạo, có khả năng bay tự động liên tục trong suốt 40 giờ liền. Ngoài ra, còn có khí tài bay không người lái “Global Observer” của hãng Aerovironment có khả năng bay liên tục gần bảy ngày.

Cục nghiên cứu hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ NASA đang thiết kế loại robot-máy bay tầm cao có thể bay trên không liên tục, không cần tiếp dầu trong vòng nhiều tháng.

Bộ quốc phòng Mỹ không dừng lại ở những đề án đầy tham vọng đó mà còn chuẩn bị chế tạo các khí tài bay siêu tin cậy và  các hệ thống bảo đảm năng lượng tự động cho khí tài bay.

Khác với các vệ tinh có quỹ đạo bay ở độ cao khoảng 400 km, robot-máy bay “Vulture” sẽ thực hiện chuyến bay ở độ cao 18-27 km và chụp ảnh mục tiêu với độ nét và chất lượng cao.

Lục quân Mỹ cũng đang thực hiện đề án chế tạo robot-máy bay làm nhiệm vụ trinh sát có kích thước rất nhỏ và hình dáng mô phỏng con dơi. Để thực hiện đề án này, Bộ quốc phòng Mỹ thành lập Trung tâm công nghệ vi điện tử và đo đạc sinh học để phát triển các hệ thống cảm biến và truyền thông, nhằm tạo ra công nghệ mô phỏng cách thức định hướng của con dơi ban đêm khi bay trong môi trường đầy vật cản.

Trước đó là máy bay không người lái “RQ-7 Shadow” đã từng được sử dụng lần đầu tiên ở Iraq năm 2003 và sau đó được trang bị cho Lục quân Mỹ ở Afghanistan. “RQ-7 Shadow” có thể bay liên tục trên không 7 giờ liền, được lắp máy do thám bằng hồng ngoại và camera ảnh nhiệt.

Năm 2004, Mỹ đã đưa vào trang bị máy bay do thám không người lái “ScanEagle” có thể tự động bay liên tục 20 giờ. Còn máy bay không người lái “MQ-9 Reaper”, được chế tạo trên cơ sở máy bay không người lái “MQ-1 Predator” có thể mang được 10 tên lửa Hellfire và hai quả bom “thông minh” GBU-12 có thể tiến hành trinh sát và tiến công mục tiêu từ độ cao 13 km. Loại máy này đã được đưa vào sử dụng trong không quân Mỹ ở Afghanistan vào đầu năm 2007.

Theo kế hoạch, đến 2025, Bộ tư lệnh hải quân Mỹ sẽ thành lập các phi đoàn máy robot-máy bay chiến đấu đậu trên các tàu sân bay.

Trước đó, Bộ quốc phòng Mỹ còn phối hợp với các hãng “Raytheon” và “Swift Engineering” chế tạo máy bay không người lái mang tên “Killer Bee” (Ong vò vẽ tiến công), được trang bị  các thiết bị trinh sát hồng ngoại và truyền hình để theo dõi mục tiêu trong điều kiện ban ngày cũng như ban đêm.

Với bộ máy chỉ thị mục tiêu bằng lade, nó có thể chỉ điểm cho các loại vũ khí thông minh tiến công mục tiêu trong bất kỳ điều kiện nào.

Lê Minh Quang
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.