Romania hủy nghị định 'nhẹ tay' với tham nhũng

Tại trung tâm Bucharest, đám đông biểu tình phản đối nghị định hợp pháp hóa một số tội danh tham nhũng. Ảnh: CNN
Tại trung tâm Bucharest, đám đông biểu tình phản đối nghị định hợp pháp hóa một số tội danh tham nhũng. Ảnh: CNN
TP - Tối 4/2, Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu tuyên bố sẽ rút lại nghị định hợp pháp hóa một số tội danh tham nhũng.

Tối 31/1, chính quyền của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu đưa ra quy định chống tham nhũng mới, trong đó có việc hợp pháp hóa tội danh tham nhũng với mức thiệt hại dưới 48.000 USD. Quy định mới còn cho phép dừng điều tra, ngăn chặn việc đưa một số vụ án tham nhũng ra xét xử, xem xét trả tự do cho một số quan tham đang ngồi tù…  vì tội tham nhũng. Dự kiến, nghị định này có hiệu lực sau đó một tuần.

Chỉ một giờ sau khi nghị định hợp pháp hóa một số tội danh tham nhũng được ban hành, dù đã khuya, hơn 10.000 người biểu tình bột phát đã tụ tập tại quảng trường Victory ở trung tâm thủ đô Bucharest. Ngay hôm sau, cuộc biểu tình đã lan ra khắp nước. Đây được coi là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất Romania trong ba thập kỷ qua. Ước tính, trong 5 ngày qua, số người biểu tình lên tới hơn 100.000 và  sẽ có hơn nửa triệu người sẽ tiếp tục biểu tình ngày 5/2 (giờ địa phương) nếu tình hình không được cải thiện.

Theo lý giải của Thủ tướng Sorin Grindeanu, đây là biện pháp cần thiết để giảm tình trạng quá tải
trong nhà tù. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích ông Grindeanu  đang tìm cách thả các đồng minh của mình hiện ngồi tù vì tội tham nhũng. Nghị định mới của Romania khiến Liên minh châu Âu hết sức lo lắng vì nó sẽ làm đảo ngược nỗ lực chống tham nhũng ở đất nước này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker nói: “Cuộc chiến chống tham nhũng phải được tiếp tục, chứ không phải là phá bỏ những gì đã đạt được”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ lo ngại sâu sắc về biện pháp giảm nhẹ tội tham nhũng của chính quyền Romania.

Laura Codruta Kovesi, lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng quốc gia của Romania, ngày 3/2 nói rằng, nghị định sẽ làm tê liệt các công việc của cơ quan này - đơn vị từng đưa hàng ngàn vụ án tham nhũng, trong đó có một số quan chức hàng đầu trong chính phủ ra trước vành móng ngựa. Bà nói: “Chỉ trong một đêm, họ đã quyết định thay đổi ba điều khoản liên quan ba tội danh: lạm dụng chức quyền, bất cẩn trong công việc và gây xung đột lợi ích. Những tội danh này thường chỉ gắn liền với các quan chức cấp cao”.

Nghị sĩ Manuel Costescu, thành viên Liên minh Bảo vệ Romania, một đảng mới tập trung vào nỗ lực chống tham nhũng, nhận định: “Đây không chỉ đơn thuần là một nghị định mà nó cho người ta thấy được bộ mặt của chính phủ mới”.

Trước những cuộc biểu tình có quy mô ngày càng lớn, tối 4/2, Thủ tướng Sorin Grindeanu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 5/2 để kháng nghị, thu hồi và hủy bỏ nghị định đó”. Đây được cho là động thái nhanh chóng và đáng chú ý của chính phủ trước sự phản ứng gay gắt của người dân. Sinh viên Mihai Saru nói tối 4/2: “Tôi thấy tình hình đã tốt hơn một chút, nhưng vẫn chưa đủ. Họ khiến chúng tôi mất niềm tin khi đưa ra nghị định khẩn cấp vào ban đêm. Làm sao chúng tôi biết chuyện này sẽ không tái diễn trong 2 tuần, 1 tháng? Tuy nhiên, tối nay là một thắng lợi nho nhỏ”.

Khi dòng người biểu tình nghe được lời tuyên bố mới nhất của Thủ tướng qua điện thoại, nhiều người vui mừng hát quốc ca vang đường, nhưng họ vẫn đứng biểu tình suốt đêm 4/2. Diana Popescu, nhà kinh tế học 42 tuổi, không quá mừng vui trước quyết định này. Bà nhận định: “Điều này chẳng thay đổi được gì. Họ vẫn nói dối”. Một số người khác cho rằng, dù nghị định bị thu hồi thì chính phủ cũng phải thay đổi một số bộ trưởng, hoặc ít nhất một số quan chức hàng đầu nên từ chức.

Theo Theo The New York Times
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.