Sân bay quân sự Syria bị tấn công, Mỹ phủ nhận tiến hành không kích

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa tấn công sân bay Syria hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa tấn công sân bay Syria hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
TPO - Ít nhất tám quả tên lửa đã phóng vào căn cứ không quân T-4 của Syria ở phía Đông tỉnh Homs. Hãng tin SANA dẫn một nguồn quân sự cho biết, cuộc tấn công "có khả năng"  do Mỹ thực hiện, tuy nhiên Lầu Năn góc nhanh chóng bác bỏ. Theo thông báo mới nhất, đã có người chết và bị thương trong vụ tập kích.
SANA công bố đoạn video vụ tấn công tên lửa hành trình trên Facebook của hãng tin.

T-4 là cơ sở không quân lớn nhất của Syria ở phía Nam, gần biên giới Syria-Jordan và Syria-Israel, có khả năng cho phép cất, hạ cánh các chiến đấu cơ hạng nặng, tiêm kích và trực thăng vũ trang. T-4 cũng là căn cứ được lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sử dụng cho lực lượng trực thăng tác chiến chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, căn cứ không quân T-4 giúp chính quyền Syria có thể kiểm soát hết khu vực phía Nam của nước này.

Đài phát thanh Al Mayadeen của Lebanon thông báo, tên lửa hành trình bay từ biển Địa Trung Hải, qua không phận Lebanon trước khi tập kích vào sân bay T-4.

Vụ tấn công xảy ra hơn một ngày sau vụ tấn công hóa học ở Đông Ghouta làm 70 người chết.

Hãng tin SANA cũng cho biết, hệ thống phòng thủ trên không của quân đội Syria đã được kích hoạt.

Syrian TV cho biết tiếng nổ lớn xảy ra gần trường bay T-4 ở thành phố Homs vào rạng sáng 9/4.

“Nhiều tên lửa đã tấn công sân bay", theo hãng tin SANA: "Đã có người chết và bị thương bởi cuộc tấn công". Tuy nhiên, hãng tin SANA không cho biết chính xác con số thương vong.

Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra lệnh phóng hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk nhắm vào một căn cứ quân sự của Syria để đáp trả cáo buộc quân đội nước này dùng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường ở Idlib.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết "đang kiểm tra báo cáo về cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình trên lãnh thổ Syria", nhưng từ chối xác nhận thực hiện cuộc tập kích trên.

"Bộ Quốc phòng Mỹ không tiến hành các cuộc không kích ở Syria. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình và ủng hộ những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề vũ khí hoá học ở Syria", hãng Reuters dẫn lời đại diện Lầu Năm góc.

Trước đó vào hôm qua 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Syria sẽ "phải trả giá đắt" sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc tấn công hóa học ở Đông Ghouta ngày 7/4.

"Rất nhiều người đã chết, cả phụ nữ và trẻ em, trong một cuộc tấn công hóa học vô cớ ở Syria. Địa điểm diễn ra hành động tàn bạo đang bị phong tỏa và bao vây bởi quân đội Syria, khiến nó trở thành nơi không thể tiếp cận với thế giới bên ngoài", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.

Ông Trump cho rằng cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Nga và Iran cũng phải chịu trách nhiệm vì hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. "Một cái giá rất đắt phải được trả", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, người đứng đầu Trung tâm của Nga về hòa giải các bên tham chiến ở Syria, Thiếu tướng Yuri Yevtushenko bác bỏ thông tin trên.

Theo tướng Yevtushenko, một số nước phương Tây đang thực hiện các biện pháp nhằm phá vỡ hoạt động này, bằng cách đưa ra chủ đề lực lượng chính phủ ở Syria sử dụng vũ khí hóa học.

“Chúng tôi kiên quyết bác bỏ thông tin này và tuyên bố sẵn sàng ngay lập tức sau ngày giải phóng thành phố Douma khỏi quân nổi dậy sẽ cử chuyên gia bức xạ, hóa chất và bảo vệ sinh học của Nga thu thập dữ liệu, sẽ xác nhận tính chất bịa đặt của thông tin này”, người đứng đầu Trung tâm của Nga về hòa giải các bên tham chiến ở Syria cho biết tại cuộc họp báo.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc thông báo sẽ tổ chức 2 cuộc họp khẩn cấp trong ngày hôm nay để thảo luận tình hình Syria.

Hôm 6/4 vừa qua, với sự yểm trợ từ các các cuộc không kích của Nga, các lực lượng Syria đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ nhằm vào nhóm Jaish al-Islam tại Douma từ hai hướng là vùng đất nông nghiệp ở phía Đông Douma và thị trấn Mesraba, ở phía Tây Nam Douma.

Tổng cộng có 300 cuộc không kích và oanh tạc nhằm vào Douma trong ngày 6/4 vừa qua, một ngày sau khi nhóm phiến quân Jaish al-Islam thứ tư cùng gia đình từ chối rời khỏi Douma theo thỏa thuận đạt được mới đây giữa lực lượng này với Nga và Chính phủ Syria.

(tiếp tục cập nhật)

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG