“Sẵn sàng với những gây hấn từ Triều Tiên”

“Sẵn sàng với những gây hấn từ Triều Tiên”
TP - Sau khi kết quả điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc được công bố, Tổng thống Hàn Quốc ra những tuyên bố đầy cứng rắn, còn Tổng thống Mỹ nói sẽ ủng hộ mạnh mẽ đồng minh Hàn Quốc, đồng thời chỉ đạo quân đội Mỹ sẵn sàng trước “mọi gây hấn của phía Triều Tiên”.
Binh lính Hàn Quốc chuẩn bị hệ thống loa phóng thanh gần biên giới
Binh lính Hàn Quốc chuẩn bị hệ thống loa phóng thanh gần biên giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa chỉ đạo quân đội nước này phối hợp với Hàn Quốc để “bảo đảm sự sẵn sàng” cũng như ngăn chặn mọi hành vi gây hấn từ phía CHDCND Triều Tiên, Reuters trích nguồn tin từ Nhà Trắng hôm qua cho hay.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trừng phạt Triều Tiên về vụ một tàu chiến Hàn Quốc được cho là bị bắn chìm.

Ông Gibbs cũng nói Chính phủ Mỹ thúc giục Triều Tiên xin lỗi về vụ việc và thay đổi cách ứng xử của nước này. “Chúng tôi tán thành yêu cầu của Tổng thống Lee rằng Triều Tiên ngay lập tức xin lỗi nhân dân Hàn Quốc và trừng phạt những kẻ gây ra vụ tấn công và quan trọng nhất, dừng ngay những hành vi hiếu chiến và thù địch”.

Cuối tuần trước, nhóm các nhà điều tra quốc tế cáo buộc Triều Tiên dùng ngư lôi bắn chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc trong tháng ba, khiến 46 thủy thủ tàu này thiệt mạng. Vụ việc được coi là lần đụng độ có số thương vong lớn nhất giữa hai miền Triều Tiên kể từ cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953.

Ông Lee hôm qua cũng nói, Hàn Quốc sẽ đem vụ này trình ra Liên Hợp Quốc trong bối cảnh tổ chức lớn nhất hành tinh này vẫn đang thực hiện một số lệnh cấm vận chống Bình Nhưỡng, được cho là đã khiến kinh tế Triều Tiên lâm vào cảnh khốn đốn. Hiện 28.000 quân Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Triều Tiên và Hàn Quốc được cho là đã dàn ít nhất 1 triệu quân dọc biên giới giữa hai bên.

“Đóng băng” quan hệ thương mại

Trong một bài phát biểu với từ ngữ cứng rắn, Tổng thống Lee Myung-bak nói: “Kể từ nay, Hàn Quốc sẽ không dung thứ bất cứ hành vi gây hấn nào của Triều Tiên”, theo BBC. “Nếu vùng nước chủ quyền, không phận hay lãnh thổ của chúng tôi bị xâm phạm bằng quân sự, chúng tôi sẽ ngay lập tức thực thi quyền tự vệ. Trong trường hợp này, mọi quan hệ thương mại giữa hai miền Triều Tiên hoặc các hoạt động hợp tác khác là vô nghĩa”, ông Lee khẳng định và nói thêm rằng, tàu Triều Tiên sẽ không được phép sử dụng vùng nước của Hàn Quốc. Nhật Bản, nước đồng minh của Hàn Quốc cũng đang xem xét các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc Hyun In-taek nói Seoul sẽ vẫn duy trì hoạt động của khu công nghiệp Kaesong, một liên doanh giữa hai bên. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nước này liên can đến vụ chìm tàu chiến Hàn Quốc. Báo chí nước này gọi cuộc điều tra chìm tàu là “quá quắt và đầy ác ý”.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa thúc giục Trung Quốc hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Đang ở thăm Trung Quốc, bà Clinton nói trong hội nghị các quan chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc, Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tàu Cheonan. “Chúng tôi yêu cầu Triều Tiên chấm dứt những hành động gây hấn… và tuân thủ luật pháp quốc tế”, bà nói.

Trung Quốc là đối tác thương mại gần gũi nhất của Triều Tiên. Hiện 80% giá trị xuất khẩu và 35% GDP của Triều Tiên phụ thuộc vào Hàn Quốc và Trung Quốc, theo BBC. Trong năm 2009, thương mại liên Triều đạt 1,68 tỷ USD- tương đương 13% GDP của Triều Tiên.

Một trong những hành động của phía Hàn Quốc sau khi nguyên nhân vụ chìm tàu Cheonan được công bố là chuẩn bị tái khởi động các chương trình tâm lý chiến qua biên giới. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young nói, chương trình tâm lý chiến (ngừng lại từ năm 2004) sẽ được tái khởi động, theo Straits Times.

Hôm qua, phía Triều Tiên nói đã thấy những hệ thống loa phóng thanh xuất hiện trở lại phía lãnh thổ Hàn Quốc, gần biên giới. Quân đội Triều Tiên nói sẽ “bắn hạ” những loa phóng thanh này. Trong một tuyên bố trên hãng thống tấn nhà nước, quân đội Triều Tiên gọi việc khởi động lại chương trình tâm lý chiến của Hàn Quốc là “hành vi gây hấn quân sự nghiêm trọng”. “Nếu Hàn Quốc làm vậy, chúng tôi sẽ bắn tan các loa phóng thanh của họ”, bản tin của Triều Tiên trích lời quan chức quân sự nước này.

Sáu năm trước, hai bên đã đồng ý ngưng các hoạt động tâm lý chiến qua lại biên giới, dù thỉnh thoảng Bình Nhưỡng vẫn phàn nàn phía Hàn Quốc vẫn rải tờ rơi dọc biên giới, vốn được bảo vệ khá chặt chẽ.

MỚI - NÓNG