Sập bẫy “Hồ sơ Panama”?

Thủ Tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Ảnh: BBC
Thủ Tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Ảnh: BBC
TP - Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson tạm ngưng cương vị trong khoảng thời gian không xác định sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ, ông sử dụng công ty bình phong để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh. 

Thủ tướng Anh David Cameron cũng đứng trước áp lực tương tự khi có liên hệ với quỹ đầu tư do thân phụ lập ở nước ngoài để tránh phải đóng thuế như “Hồ sơ Panama” nêu ra. Thẩm phán liên bang Argentina bắt đầu tiến hành các thủ tục để xem xét khả năng điều tra Tổng thống Mauricio Macri, người có tên trong “Hồ sơ Panama”. Đây là những biến cố mới nhất liên quan tới ba trong số 12 nguyên thủ quốc gia và hàng trăm chính trị gia trên khắp thế giới có mặt trong “Hồ sơ Panama”, vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử.

Nếu như Wikileaks năm 2010 và vụ lộ thông tin mà Edward Snowden thực hiện năm 2013 nhắm trực tiếp vào Mỹ khi phơi bày “phạm vi và quy mô” hoạt động ngoại giao, tình báo của Washington khắp thế giới, thì “Hồ sơ Panama”, cũng hướng về Mỹ, nhưng với vai trò là “kẻ giật dây”.

Các hãng truyền thông nhận được “Hồ sơ Panama” đều có xu hướng ủng hộ Mỹ và các thiết chế phi chính phủ được Washington bảo trợ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner công khai xác nhận, Washington thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ các nhà báo tham gia thực hiện điều tra vụ bê bối “Hồ sơ Panama”.

Trong danh sách “Hồ sơ Panama” chỉ có một nhúm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về “thiên đường thuế” với sự trợ giúp của Mossack Fonseca. Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với Steven Spielberg, thì không có lấy cái tên nào ngang hàng Thủ tướng Cameron hay Gunnlaugsson trong “Hồ sơ Panama”.

Những cái tên bị “điểm mặt” là những nhân vật không được Washington ưa thích. Các mục tiêu bị đánh phá thậm chí được tính toán kỹ hơn, với kết quả là nhiều tờ báo đưa tin theo hướng tiêu cực chống Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay một số quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới…

Mỗi ngày, những cái tên trong “Hồ sơ Panama” lại dài ra, song để kiểm chứng độ xác thực phải cần nhiều thời gian hơn thế, và giới truyền thông cũng vì thế mà đầy ắp tin bài. Đến đây, chúng ta nhớ lại câu nói khét tiếng của Josef Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của trùm phát xít Hitler: “Một điều lừa dối, bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ được mọi người tin là thật”.

MỚI - NÓNG