Sát thủ vô hình của chiến đấu cơ Nga ở Syria

Kỹ thuật viên Nga kiểm tra một chiếc tiêm kích bom Su-34 tại căn cứ ở Syria. Ảnh: RT
Kỹ thuật viên Nga kiểm tra một chiếc tiêm kích bom Su-34 tại căn cứ ở Syria. Ảnh: RT
Những hạn chế về khí tài và điều kiện thời tiết khắc nghiệt của sa mạc đang ảnh hưởng đến chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria.

Các chiến đấu cơ Nga được triển khai tới Syria để tham gia chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đối mặt với những sát thủ vô hình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của họ, USA Today ngày 25/10 đưa tin.

Hỏng hóc

Tờ báo này dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết các chiến đấu cơ Nga ở Syria đang gặp phải tình trạng hỏng hóc với tỷ lệ cao đến mức làm suy giảm khả năng không kích vào các mục tiêu IS.

Theo đó, gần một phần ba máy bay ném bom và một nửa máy bay vận tải quân sự đang phải ngừng bay để sửa chữa, bảo dưỡng do gặp những trục trặc, hỏng hóc khi hoạt động trong điều kiện thời tiết sa mạc khô nóng, nhiều bụi ở Syria.

Những chiếc chiến đấu cơ của Nga có vẻ như khó thích nghi với việc hoạt động trong môi trường nhiều cát bụi của sa mạc, và gần đây, số vụ xuất kích của máy bay Nga đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu của chiến dịch.

"Với những lực lượng được triển khai tác chiến, tỷ lệ máy bay phải 'đắp chiếu' như thế này là rất ghê gớm", ông Richard Aboulafia, chuyên gia hàng không tại tổ chức tư vấn Teal Group, cho biết.

Nga đã đưa khoảng 40 chiến đấu cơ các loại sang Syria từ cuối tháng 9 để thực hiện chiến dịch không kích IS, trong đó có các loại máy bay ném bom thế hệ cũ Su-24, cường kích Su-25, tiêm kích Su-30SM, tiêm kích bom hiện đại Su-34 và các loại trực thăng vũ trang, ngoài ra còn vài chục máy bay vận tải quân sự làm nhiệm vụ chuyên chở và hậu cần.

"Với tỷ lệ hỏng hóc như thế này, có thể số chiến đấu cơ trên có quy trình vận hành không tốt, không có nguồn phụ tùng thay thế hoặc đội ngũ kỹ thuật viên mặt đất thích hợp", Aboulafia nói.

Chuyên gia này cho rằng đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí, khí tài đến tác chiến ở một nơi xa như vậy, nên sự thiếu kinh nghiệm trong điều hành và hậu cần có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chiến đấu cơ Nga gặp trục trặc.

"Chiến tranh viễn chinh phụ thuộc rất lớn vào công tác hậu cần cũng như kinh nghiệm chiến đấu, trong khi Nga không có quá nhiều trong hai yếu tố này", chuyên gia này cho biết.

Đối với các chiến đấu cơ của Mỹ, việc tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu bị giảm xuống mức dưới 80% sẽ khiến các chỉ huy quân sự cấp cao phải chú ý, một quan chức không quân từng nhiều lần được triển khai đến Trung Đông cho hay. 

Sát thủ vô hình của chiến đấu cơ Nga ở Syria ảnh 1

Binh sĩ Nga lắp bom cho chiến đấu cơ chuẩn bị xuất kích diệt IS. Ảnh: RT

David Deptula, tướng nghỉ hưu của không quân Mỹ và là người từng lên kế hoạch chiến dịch Bão táp Sa mạc, cuộc chiến giữa Iraq và các quốc gia khác do Mỹ dẫn đầu, cho biết tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của chiến đấu cơ Mỹ trong khu vực tác chiến là trên 90%. Theo ông, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu 70% của Nga không phải là điều ngạc nhiên, bởi không quân nước này còn thiếu kinh nghiệm thực chiến trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng khâu hậu cần của Nga cũng "cần phải được lưu tâm".

Bộc lộ điểm yếu

Chuyên gia phân tích quân sự Basem Shabb của tờ Daily Star cho rằng việc chiến đấu cơ Nga gặp nhiều trục trặc trong quá trình tác chiến ở Syria có thể bộc lộ nhiều điểm yếu về vũ khí, khí tài của Nga, làm ảnh hưởng đến chiến dịch không kích phiến quân IS.

Quân đội Nga mới chỉ được cải tổ và hiện đại hóa cách đây 6 năm, trong đó lực lượng không quân được chú trọng đặc biệt. Các loại máy bay thế hệ cũ như Mig-21, Mig-23, Mig-25 và Mig-27 đã được cho nghỉ hưu, chỉ còn một số lượng ít Mig-29 vẫn còn phục vụ. Các loại chiến đấu cơ của Nga ở Syria hiện nay chủ yếu là những biến thể của dòng Su-27.

Đội bay của Nga ở Syria có 6 chiếc tiêm kích đánh chặn tầm cao Mig-31 ở thủ đô Damascus và 4 chiếc tiêm kích đa nhiệm Su-30SM ở Latakia. Những "cỗ máy không chiến" này có thể làm phá sản bất cứ kế hoạch thiết lập vùng cấm bay nào ở miền bắc Syria, nhưng chúng không có nhiều tác dụng trong việc ném bom các mục tiêu dưới mặt đất.

Loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Nga ở Syria là Su-34, mẫu tiêm kích bom mà không quân Nga mới chỉ sở hữu khoảng 60 chiếc. Với sự xuất hiện của 6 chiếc Su-34 ở Syria, Nga có thể ném những quả bom thông minh dẫn đường bằng GPS xuống các mục tiêu tầm xa, chẳng hạn như bom KAB500, để tiêu diệt các mục tiêu đầu não của IS.

Tuy nhiên, Su-34 vẫn là mẫu máy bay mới lần đầu tham chiến, và với tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu 70%, nhiều khả năng Nga chỉ có được 4 chiếc trong số này hoạt động cùng một lúc, ông Shabb nhận định.

Chủ lực thực hiện các cuộc ném bom vẫn là 12 máy bay ném bom Su-24, mẫu máy bay đã phục vụ trong quân đội Nga trung bình 25 năm. Su-24 là loại máy bay có tỷ lệ an toàn thấp nhất trong không quân Nga và thường xuyên phải bảo dưỡng. Quân đội Syria cũng có 20 chiếc Su-24 tương tự, và đã bị bắn rơi mất hai chiếc.

Su-24 hiện vẫn sử dụng các ống ngắm mục tiêu thế hệ thứ ba do hãng Thales sản xuất, và chủ yếu ném các loại bom thông thường. Chuyên gia Shabb cho rằng mẫu máy bay già cỗi này sẽ có nguy cơ gặp nhiều trục trặc nhất trên chiến trường Syria.

Sát thủ vô hình của chiến đấu cơ Nga ở Syria ảnh 2

Máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria. Ảnh: RT

12 chiếc cường kích Su-25 của Nga ở Syria là những mẫu mới được nâng cấp, tuy nhiên loại máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất này lại chỉ có thể hoạt động vào ban ngày và gần như không thể ném các loại bom dẫn đường thông minh. Khả năng tự vệ hạn chế sẽ khiến nó rất dễ trở thành mục tiêu cho các loại vũ khí phòng không.

Không quân Iraq cũng được trang bị một số máy bay Su-25 để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh nước này chiến đấu chống IS, nhưng chúng tỏ ra không mấy hiệu quả do sự thiếu chính xác trong các cuộc ném bom và hỏa lực phòng không của đối phương. Chiếc máy bay kém hơn rất nhiều so với mẫu máy bay Cessna 208 về khả năng tác chiến vào ban đêm cũng như độ bền, các chuyên gia quân sự đánh giá.

Theo ông Shabb, toàn bộ lực lượng không quân mà Nga triển khai tới Syria tương đương, thậm chí kém hơn một chút so với lực lượng trên một tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, bao gồm 4 phi đội tiêm kích F/A-18 Super Hornet. Với lực lượng này, Nga rất khó có thể xoay chuyển được tình thế trên chiến trường phức tạp ở Syria.

Chuyên gia này nhận định sau cú sốc bởi những đòn không kích dữ dội ban đầu của Nga, phiến quân IS sẽ có những chiến thuật đối phó mới để kéo dài cuộc chiến, khiến những điểm yếu của Nga ngày càng bộc lộ và gây ra thiệt hại về người và khí tài.

Bởi vậy, Nga phải tìm giải pháp chính trị cho Syria càng sớm càng tốt, trước khi phiến quân IS có thể sở hữu những loại vũ khí phòng không phức tạp như tên lửa vác vai và bắn hạ những chiếc chiến đấu cơ đầu tiên của Nga trên đất Syria, ông Shabb nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG