Sau Ba Lan, đến lượt Ukraine “chọc giận” Nga

Sau Ba Lan, đến lượt Ukraine “chọc giận” Nga
TP- Theo BBC, trong tuyên bố phát đi ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các nước Tây Âu về hệ thống cảnh báo sớm tên lửa.
Sau Ba Lan, đến lượt Ukraine “chọc giận” Nga ảnh 1
Tổng thống Ukraine Yushchenko

Mặc dù Nga chưa có phản ứng chính thức trước tuyên bố trên, nhưng giới phân tích phương Tây dự báo Ukraine có thể đang tự ghi tên vào “danh sách nóng” của Nga.

Cách đây vài ngày, một vị tướng của Nga tuyên bố Ba Lan có thể đối mặt với vũ khí nguyên tử của Matxcơva sau khi ký thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai 10 dàn tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Ba Lan.

Bộ Ngoại giao Ukraine giải thích rằng, đầu năm 2008, Matxcơva đã hủy bỏ hiệp ước với Ukraine (ký năm 1992) liên quan đến hệ thống giám sát không lưu và cảnh báo sớm tên lửa nên Kiev được phép hợp tác với các đối tác khác. Đầu tuần, Tổng thống thân phương Tây Viktor Yushchenko đã ký sắc lệnh chấm dứt sự tham gia của Ukraine vào hiệp ước năm 1992 với Nga.

Tổng thống Yushchenko nói rằng đây là tình huống chưa có tiền lệ và cho thấy Ukraine chỉ có thể đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ thông qua “an ninh có lựa chọn”. “Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn bất kỳ hành động nào như đã xảy ra đầu tiên ở Nam Ossetia ngày 7-8/8 và sau đó là các khu vực khác của Gruzia”, Tổng thống Yushchenko nói. 

Động thái trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi chính quyền Ukraine ra tuyên bố giới hạn hoạt động của Hạm đội Biển Đen (Nga) tại cảng Sebastopol (Ukraine) nếu các tàu chiến tham gia vào xung đột tại Gruzia. Matxcơva đã lên tiếng phản đối những hành động cấm đoán nhằm chống lại Nga và tuyên bố các tư lệnh quân đội sẽ chỉ tuân theo lệnh của Tổng thống Nga.

Người Ukraine lo lắng

Theo tờ IHT, nhiều người dân ở thủ đô Kiev tỏ ra lo lắng sau những hành động của quân đội Nga liên quan đến vùng đất li khai Nam Ossetia và Gruzia cũng như phản ứng mạnh mẽ của Matxcơva khi Ba Lan cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trả lời phỏng vấn tờ IHT, nhiều cư dân Kiev nói rằng sớm hay muộn vị Tổng thống thân phương Tây Yushchenko sẽ “đi quá xa” và họ sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga. Khi được hỏi lựa chọn Nga hay Liên minh châu Âu (EU) không ít người Ukraine bày tỏ tin tưởng hơn vào Nga.

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine lên cao trong những năm qua. Nhà lãnh đạo Ukraine Yushchenko, cũng giống như Tổng thống Gruzia Saakassvili, muốn ngả về phương Tây, bao gồm cả việc trở thành thành viên NATO. Nga cho rằng điều này đe dọa an ninh khu vực.

Đầu năm 2006, chính quyền của Tổng thống Yushchenko từng điêu đứng sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Chính quyền hiện nay của Ukraine, một trong những nước “vệ tinh” Liên Xô trước đây, muốn tách khỏi sự ảnh hưởng của một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, yếu tố văn hóa và lịch sử đã khiến chính sách của các nhà lãnh đạo Ukraine không đi đúng hướng. Cộng đồng người Nga hiện chiếm 17% dân số Ukraine. Nhiều người Ukraine vẫn xem tin tức xung đột ở Nam Ossetia, Gruzia qua đài phát thanh, truyền hình của Nga...

Nga trang bị đầu đạn hạt nhân cho Hạm đội Baltic?

Ngày 17/8, tờ The Times (Anh) dẫn nguồn tin quân sự cấp cao từ Matxcơva cho biết Nga đang xem xét khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân cho Hạm đội Baltic lần đầu tiên kể từ Chiến tranh lạnh. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ sẽ triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Theo kế hoạch, đầu đạn hạt nhân có thể được cung cấp cho tàu ngầm, tàu chiến và máy bay ném bom của Nga thuộc Hạm đội Baltic đóng ở Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Lat-vi. Nga từng cảnh báo có thể sẽ chĩa tên lửa vào Tây Âu từ các căn cứ ở Kaliningrad và Belarus vì cho rằng việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan, Cộng hòa Séc làm mất thế cân bằng an ninh khu vực, đe dọa an ninh của Nga.

Theo nguồn tin trên, Hạm đội Baltic từng suy yếu do thiếu nguồn tài chính sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng điều này sẽ thay đổi.   

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.