Sáu tàu Trung Quốc vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

Sáu tàu Trung Quốc vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản
TP - Ngày 14-9, sáu tàu hải giám của Trung Quốc tiến vào vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, khiến tình hình căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á lên mức cao nhất kể từ năm 2010.

> Trung Quốc điều tàu hải giám tới đảo Điếu Ngư/Senkaku

Thành viên tàu Hải giám 50 của Trung Quốc chụp ảnh khi tới gần Điếu Ngư/Senkaku ngày 14-9 Ảnh: Xinhua
Thành viên tàu Hải giám 50 của Trung Quốc chụp ảnh khi tới gần Điếu Ngư/Senkaku ngày 14-9 Ảnh: Xinhua.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, các tàu của Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp để thực hiện hoạt động giám sát và đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ “thực thi pháp luật đối với quyền lãnh hải của mình”.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản nói rằng, họ đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khu vực. Cho tới chiều 14-9, tất cả số tàu trên đã rời đi và không sử dụng vũ lực.

Nhật Bản phản đối Trung Quốc và nhấn mạnh tình hình không được phép leo thang hơn nữa, nếu không sẽ dẫn tới hậu quả mà cả hai nước đều không mong muốn vì hai quốc gia đang có nhiều mối liên hệ kinh tế chặt chẽ.

Chính phủ Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm Giải quyết khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng và lực lượng đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để giải quyết vấn đề trên.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố sẽ áp dụng tất cả biện pháp có thể để đảm bảo an ninh xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Các nhà ngoại giao nói rằng, Tokyo và Bắc Kinh vẫn mong muốn giữ tình hình trong tầm kiểm soát, nhưng khi Trung Quốc đang ở thời điểm chuyển giao quyền lực cả thập kỷ mới diễn ra một lần, kỳ bầu cử ở Nhật Bản cũng đang tới gần và sự hồ nghi giữa hai nước ngày càng tăng thì việc kiểm soát tình thế là rất khó khăn.

“Chúng tôi cực lực phản đối và chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy phía Trung Quốc phải rời vùng biển quanh quần đảo Senkaku”, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba phát biểu tại một cuộc họp báo ở Sydney sau các cuộc hội đàm với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên để tình hình leo thang và chúng tôi rất hy vọng người Trung Quốc đáp lại theo cách điềm tĩnh tương tự”, ông nói.

Khi được triệu đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản để nghe phản đối, Đại sứ Trung Quốc Chen Yonghua nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về quần đảo tranh chấp, nhưng cũng hy vọng tình hình sẽ không xấu thêm hoặc đe doạ quan hệ của hai nước.

Trung Quốc hôm 13-9 cảnh báo quan hệ thương mại song phương có thể bị tổn thương do xung đột. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Giá trị thương mại song phương năm 2011 tăng 14,3% lên mức kỷ lục 343 tỷ USD.

Căng thẳng giữa hai quốc gia tăng lên khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara đưa ra kế hoạch, trong đó chính quyền thủ đô sẽ mua lại các hòn đảo tranh chấp và xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó.

Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda quyết định thực hiện kế hoạch này thay chính quyền thủ đô.

Hôm 11-9, Nhật Bản hoàn thành việc mua lại một phần quần đảo từ một chủ sở hữu tư nhân mà phớt lờ cảnh báo từ Trung Quốc rằng động thái này có thể vi phạm chủ quyền của họ.

Ngày 14-9, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lý Bảo Đông trình Tổng thư ký Liên Hợp Quốc văn bản của chính phủ Trung Quốc xác định ranh giới Điếu Ngư/Senkaku.

Sau khi nổ ra một số cuộc tấn công vào công dân Nhật Bản ở Thượng Hải và biểu tình quy mô nhỏ trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, ông Cheng Li, chuyên gia về vấn đề chính trị Trung Quốc ở Viện Brookings tại Washington (Mỹ), thể hiện lo ngại động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất cứng rắn và hành động cẩn thận, nhưng đôi khi tình hình vượt tầm kiểm soát. Dư luận quần chúng ở Trung Quốc đã trở nên quá mạnh”, ông Li nói.

Gia Tùng
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG