Sẽ có quy chế tự trị cho miền đông Ukraine?

Lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức, Pháp đạt thỏa thuận hòa bình sau cuộc đàm phán marathon kéo dài 16 giờ. Ảnh: Getty Images
Lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức, Pháp đạt thỏa thuận hòa bình sau cuộc đàm phán marathon kéo dài 16 giờ. Ảnh: Getty Images
TP - Theo thỏa thuận hòa bình cho Ukraine vừa đạt được, quân chính phủ và phe ly khai đồng ý rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến và lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 12/2 tuyên bố, các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh Minsk đã đạt được thỏa thuận sau cuộc đàm phán kéo dài 16 giờ, AP đưa tin.


 “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về các điểm chính. Chúng tôi đồng ý ngừng bắn”, ông Putin nói với các phóng viên sau cuộc đàm phán suýt đổ vỡ.

Một văn kiện mà hãng tin Reuters có được nêu các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng, thiết lập khu vực an ninh... Văn kiện kêu gọi Ukraine kiểm soát hoàn toàn biên giới với Nga vào cuối năm 2015, giải giáp các nhóm vũ trang nước ngoài, rút vũ khí, quân đội, lính đánh thuê và tất cả “các nhóm bất hợp pháp” khỏi miền Đông Ukraine dưới sự kiểm soát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). 

Văn kiện cũng quy định, cuối năm 2015 cần cải cách hiến pháp của Ukraine, bao gồm việc phân quyền cho các khu vực Donetsk và Luhansk, đồng thời Kiev nối lại quan hệ kinh tế với miền Đông. AP dẫn lời Tổng thống Nga nói rằng, ông và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫn không nhất trí về cách đánh giá tình hình tại một điểm nóng chiến sự. Trong khi đàm phán hòa bình diễn ra tại Minsk, lực lượng ly khai tuyên bố đã vây chặt lực lượng Ukraine tại thị trấn Debaltseve và tiêu diệt hai đại tá, trong đó một người là chỉ huy phó chiến dịch chống khủng bố. 

Ngày 10/2, OSCE cho biết, Nga đã đưa ra sáng kiến thành lập vùng phi quân sự ở miền Đông Ukraine. Sáng kiến hòa bình Pháp-Đức cũng đề nghị lập vùng phi quân sự rộng 50-70 km chạy dọc chiến tuyến hiện thời ở miền Đông Ukraine.

Sẽ có quy chế tự trị cho miền đông?

Trong khi đó, Kiev chỉ đồng ý lập vùng phi quân sự căn cứ giới tuyến phân định theo thỏa thuận hòa bình tháng 9/2014. Kiev muốn giành lại quyền kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dòng vũ khí và nhân lực của phe ly khai, điều mà Mátxcơva không chấp nhận. 

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, thỏa thuận hòa bình vừa đạt được cũng xác định đường giới tuyến rút vũ khí hạng nặng và bao gồm điều khoản trao quy chế đặc biệt cho hai vùng đòi độc lập, giải quyết vấn đề nhân đạo và các vấn đề liên quan kiểm soát biên giới. Hãng tin Nga Sputnik ngày 12/2 nêu rõ, theo thỏa thuận hòa bình mới, Quốc hội Ukraine phải thông qua dự luật trao quy chế tự trị cho vùng Donbass trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, ông Poroshenko nói rằng, không có bất cứ thỏa thuận nào về quy chế tự trị cho miền Đông Ukraine. 

Theo Sputnik, thỏa thuận mới nêu rõ Đức và Pháp sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp Ukraine khôi phục hệ thống ngân hàng tại khu vực bị xung đột tác động, và một cơ chế quốc tế có thể được thiết lập để chuyển tiền. Hai bên sẽ trao đổi tất cả tù binh trong vòng 5 ngày sau khi rút quân. Thỏa thuận cũng kêu gọi ân xá cho những người liên quan các sự kiện tại Donetsk và Luhansk. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục cảnh báo ông Putin và cho rằng, nhà lãnh đạo Nga nhìn nhận các vấn đề theo lăng kính Chiến tranh Lạnh.

Báo Anh Telegraph đưa tin, ngày 11/2, Mỹ đã thông báo sẽ bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine chống phe ly khai vào tháng sau. Tướng Frederick Hodges, Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, cáo buộc quân Nga đang can thiệp trực tiếp vào trận chiến xung quanh Debaltseve.

MỚI - NÓNG