Chuyên gia Anh:

Sẽ không có can thiệp quân sự trực tiếp ở Ukraine

Quân chính phủ Ukraine ở miền đông nước này hôm 4/9
Quân chính phủ Ukraine ở miền đông nước này hôm 4/9
TP - NATO sẽ không trực tiếp can dự quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, trừ phi Ukraine gia nhập khối này, một chuyên gia quốc phòng Anh công tác tại cơ quan tư vấn hàng đầu nhận định.

“Việc NATO can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine là điều không thể tưởng tượng được. Việc này chỉ có thể diễn ra khi Ukraine trở thành thành viên NATO hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết ít nhiều có nội dung liên quan can dự quân sự ở Ukraine”, ông Igor Sutyagin công tác tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia ở London, nói.

Các nhà lãnh đạo đến từ 28 nước thành viên NATO tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 26 diễn ra từ 4 đến 5/9 ở xứ Wales. Họ ra thông cáo đề cập một số lĩnh vực, bao gồm phản ứng đối với khủng hoảng Ukraine.

Theo đó, NATO cam kết sẽ có sự hiện diện quân sự liên tục ở khu vực miền đông. NATO nhất trí thành lập Lực lượng hỗn hợp sẵn sàng ở mức cao (VHRJTF) có khả năng phản ứng trong vòng vài ngày. VHRJTF sẽ là một phần của lực lượng phản ứng nhanh của NATO, sẽ có tổng hành dinh đặt tại một nước thành viên ở Đông Âu, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết. 

Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên NATO cũng nhất trí với việc sử dụng 20% chi tiêu quân sự để mua sắm thiết bị, vũ khí hạng nặng hoặc chi cho nghiên cứu và phát triển.

“Mức chi tiêu này không mới đối với NATO, nhưng nó đã trở thành một chỉ thị nội bộ. Tầm quan trọng của chỉ thị này đang được nâng lên mức độ chính trị và đang trở thành nghĩa vụ chính trị của các quốc gia thành viên”, ông Sutyagin nhận định.

Tổng thống Mỹ: NATO luôn chào đón thành viên mới

Ngày 5/9 tại xứ Wales, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói NATO sẽ bảo vệ mọi đồng minh, đồng thời tái khẳng định rằng, cánh cửa đi vào NATO vẫn rộng mở với những quốc gia đáp ứng “tiêu chuẩn cao” của khối.

Tổng thống Obama tuyên bố như vậy tại cuộc họp báo sau khi ông thảo luận nhiều vấn đề an ninh với lãnh đạo các nước thành viên NATO trong ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh. 

“Chúng tôi nhất trí mở rộng đối tác khiến NATO trở thành trung tâm của an ninh toàn cầu. Chúng tôi sẽ có những nỗ lực mới cùng các đối tác gần gũi nhất của chúng tôi, bao gồm nhiều đối tác đã sát cánh với chúng tôi ở Afghanistan để đảm bảo rằng, các lực lượng của chúng ta tiếp tục hoạt động cùng nhau”, ông Obama nói. Trước đó một ngày, Nga cảnh báo NATO không được phép mời Ukraine gia nhập tổ chức này.

Tổng thống Mỹ thông báo, tại hội nghị thượng đỉnh, các đồng minh NATO đã tái khẳng định nhiệm vụ trung tâm của khối này.

“Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước phải được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả các nước. Điều này có tính ràng buộc và không thể thương lượng”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cho biết, NATO sẽ có một sáng kiến mới nhằm giúp các nước nâng cao năng lực quốc phòng, bắt đầu từ Georgia, Moldova và Jordan.

Tổng thống Obama cũng nói rằng, NATO “hoàn toàn thống nhất trong việc ủng hộ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Tất cả 28 thành viên NATO sẽ trợ giúp an ninh cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ phi sát thương cho quân đội Ukraine, giúp hiện đại hóa các lực lượng của nước này, bao gồm hậu cần, chỉ huy và điều khiển, ông Obama nói.

Bình luận về thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được ở miền đông Ukraine, Tổng thống Mỹ nói: “Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong việc theo đuổi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở nước ông”. 

Tổng thống Obama nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn có thể thúc đẩy mục tiêu của chính quyền Ukraine, nhưng chỉ khi nó được tuân thủ trên thực tế. Theo ông Obama, Mỹ và châu Âu đang thống nhất các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga, nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng. 

Hội nghị thượng đỉnh của NATO cũng tập trung thảo luận vai trò mới của khối này tại Afghanistan, sau khi sự can dự quân sự của các thành viên NATO ở Afghanistan sẽ chấm dứt vào cuối năm nay.

NATO xác định sẽ không lặp lại sai lầm của Liên Xô trước đây ở Afghanistan, nên việc tài trợ cho các lực lượng vũ trang Afghanistan là “rất quan trọng”, chuyên gia quốc phòng Igor Sutyagin nói.

Theo Theo Xinhua, Itar-Tass, CNN
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.