Segolene Royal: Cuộc đấu trên đường tới ngôi vị Tổng thống Pháp

Segolene Royal: Cuộc đấu trên đường tới ngôi vị Tổng thống Pháp
TPO - Ứng cử viên tiềm năng nhất, nữ chính trị gia mới nổi- bà Segolene Royal, ngày hôm qua, đã phải đương đầu với hai đối thủ dày dặn kinh nghiệm- hai vị cựu bộ trưởng Laurent Fabius và Dominique Strauss-Kahn.

Ba đối thủ cạnh tranh chiếc ghế ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội Pháp đã bày tỏ quan điểm của mỗi người về chính sách ngoại giao trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình ngày hôm qua.

Tâm điểm của buổi tranh luận gồm ba vấn đề: chương trình hạt nhân của Iran, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại Châu Âu và mối quan hệ của Pháp với Liên minh Châu Âu EU.

Theo dự kiến, vào ngày 16/11, Đảng Xã hội sẽ tiến hành bỏ phiếu chọn ra người đại diện tranh chức tổng thống Pháp.

Người được lựa chọn nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy- lãnh đạo Đảng bảo thủ UMP, trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 năm sau. Nhiệm kì tổng thống của ông Jacques Chirac sẽ kết thúc vào giữa tháng 5 và ông không có dự định tiếp tục ra tranh cử.

Cuộc tranh luận trên TV được tiến hành theo thể thức không đối đầu, giống như hai cuộc tranh luận trước đó. Tuy nhiên, rất nhiều nguời tỏ ý phản đối phương thức này vì tất cả các câu hỏi được gửi lên từ trước, khiến cho cuộc tranh luận không mấy thuyết phục.

Sự khác biệt lớn nhất trong ý kiến của ba đối thủ là quan niệm của họ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ làm đơn xin gia nhập EU. Trong khi ông Strauss-Kahn, nguyên Bộ trưởng kinh tế lên tiếng ủng hộ nguyện vọng của Thổ nhĩ Kỳ,  cựu bộ trưởng Fabius lại cho rằng quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên dừng ở mức hai đối tác thân thiết.

Bà Royal, người trước kia không tỏ rõ chính kiến về vấn đề này cho hay đã đến lúc có một quãng nghỉ trong tiến trình mở rộng EU, đồng thời gợi mở về một cuộc trưng cầu dân ý nhằm mang lại một quyết định chính xác và hợp lòng dân. Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có thể được đoán trước bởi hầu hết người dân Pháp phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU.

Cả ba người đều khẳng định quan điểm của Pháp sẽ tiếp tục là một đồng minh của Mỹ, đồng thời vẫn duy trì lập trường độc lập trong các quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại.

Bà Royal đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Bush và cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận khái niệm chiến tranh phòng bị mà Mỹ đưa ra cũng như không muốn để mất đi mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ.”

Bà từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề rút quân khỏi Iraq của quân đội Mỹ và cho rằng cộng đồng quốc tế cần tích cực giúp đỡ Iraq xây dựng nền dân chủ và mọi thành công có được trong quá trình tái thiết Iraq không phải của riêng nước nào, mà đó là sự hợp sức của nhiều quốc gia.

Về vấn đề Iran, bà Royal nhấn mạnh nước này không được phép tiếp tục làm giàu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên quan điểm này vấp phải sự phản đối của hai đối thủ còn lại vì cho rằng điều này sẽ chỉ gây thêm thù hận với Tehran.

Qua nhiều cuộc trưng cầu, bà Royal, người hiện giữ chức chủ tịch Hội đồng khu vực Poitou-Charentes của Pháp, vẫn đang dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có khả năng bà sẽ vẫn phải tham gia tái đấu với hai đối thủ còn lại vào ngày 23/11, nếu cuộc bỏ phiếu ngày 16 tới chỉ mang lại kết quả hoà.

Hà Giang
Theo BBC

MỚI - NÓNG