Số phận không may của Libăng

Số phận không may của Libăng
Nằm ngay giữa vùng Trung Đông, Libăng lại một lần nữa trở thành điểm nóng với chiến sự thể hiện những xung khắc hằn sâu trong lịch sử.
Số phận không may của Libăng ảnh 1
Di tích Baalbek của người La Mã tại Libăng

Đất nước đầy ánh nắng mặt trời và đồi núi này hiện chỉ có trên 10 nghìn km2 và 3,8 triệu dân, theo thống kê LHQ năm 2005.

Thời cổ đại, đây chính là mảnh đất của giống người được dân Hy Lạp gọi là Phoenicians, lấy chữ từ chất thuốc nhuộm màu tía phoinikies dân bản địa xuất khẩu.

Cái tên Lebanon (tiếng Arập: لبنان‎, Lubnān) chỉ có từ khi người Ả Rập tràn đến vùng đất này.

Dân chúng được chia làm hai nhóm, tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Tuy thế, người Thiên Chúa giáo cũng theo nhiều phái khác nhau.

Hồi giáo thì có cả Shia và Sunni. Ngoài ra còn người theo đạo Druze. Chính sự bao dung tôn giáo đã khiến Libăng thành nơi cư ngụ của các tín đồ nhiều đạo giáo.

Có quan hệ chặt chẽ với Pháp từ nhiều thập kỷ, Libăng mới độc lập từ 1943.

Chính trị phức tạp

Số phận không may của Libăng ảnh 2

Phía Nam Libăng người dân như sống trong vương quốc của Hezbollah

Quyền lực chính trị dù thường hay nằm trong tay giới thân Pháp tại Beirut nhưng cũng bị chia sẻ với các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác. Các phái thân Phương Tây và thân Syria luôn kình chống nhau.

Quân đội Nam Libăng SLA trước đây, một tổ chức của những tín đồ Thiên Chúa giáo, lại được sự ủng hộ của Israel.

Sự hiện diện của nhiều người tỵ nạn Palestine ở Libăng cũng là một yếu tố các bên phải tính đến.

Trong khi phía Nam Libăng thì từ mấy năm nay đã trở thành một “vương quốc” của phái Hezbollah thân Iran.

Họ có quân đội, đài phát thanh, truyền hình, hệ thống kinh tế và an sinh xã hội riêng và gọi vùng này là “Đất của Tín ngưỡng”.

Sau nội chiến đẫm máu từ 1975 đến đầu thập niên 1990 vốn là cuộc tranh giành quyền lực giữa Israel, Syria và Tổ chức PLO của người Palestine, Libăng  tưởng như trở lại với thời kỳ thịnh vượng từng đem lại danh tiếng cho đất nước như “Thụy Sĩ của Trung Đông”.

Nhưng trên thực tế, phải đến tháng Năm 2000 các lực lượng của Syria mới rút hẳn khỏi vùng “an toàn” do họ  đặt ra ở phía Bắc.

Và cũng năm 2000 chính phủ Ehud Barak của Israel cũng mới đơn phương rút quân khỏi vùng độn phía Nam.

Với dân số có trình độ văn hóa cao và truyền thống thương mại xuyên Địa Trung Hải, Libăng hoàn toàn có cơ sở để trở thành một trung tâm buôn bán cho vùng Trung Đông.

Nhưng như tình hình chiến sự cho thấy, các xung khắc dân tộc, sắc tộc và tôn giáo đang đem những đám mây đen phủ xuống quốc gia này.

Vào thời Trung Cổ, mảnh đất bây giờ là Libăng đã từng là nơi các đoàn quân Thập Tự Chinh đi qua và giao tranh với các lực lượng Hồi Giáo.

Nay thì khó mà biết được chiến sự bao giờ sẽ chấm dứt. Lịch sử đầy xung đột có thể lại không buông tha Libăng.

Theo BBC

MỚI - NÓNG