'Sói non' IS kể về cuộc sống tại trại huấn luyện

Chiến binh IS nhí xuất hiện trong video tuyên truyền của tổ chức giơ súng chuẩn bị bắn một con tin. Ảnh: IBTimes.
Chiến binh IS nhí xuất hiện trong video tuyên truyền của tổ chức giơ súng chuẩn bị bắn một con tin. Ảnh: IBTimes.
"Cháu không được tới trường với các bạn nữ, không được học toán. Cháu phải đến một nơi với rất nhiều trẻ em và học cách sử dụng vũ khí", một chiến binh nhí IS trốn thoát khỏi tổ chức kể.

Ahmed Aslef vẫn không thể nào quên cái ngày cậu cùng hàng trăm đứa trẻ người Yazidi phải đứng xếp thành hàng trước một loạt tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS), bên ngoài ngôi làng Kocho của Iraq. Lúc đó, quân khủng bố bắt từng em giơ tay lên cao và kiểm tra. Cậu bé nào có lông nách liền bị phiến quân giết chết ngay tại chỗ. Ahmed chứng kiến tất cả khi mới 10 tuổi. Hai em gái cùng vài thành viên khác trong gia đình Ahmed thì bị IS bắt giữ rồi bán làm nô lệ.

Theo lời kể của các nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát ở Kocho hồi tháng 8 năm ngoái, quân khủng bố đã giết hại ít nhất 800 người, trong đó có cả những cậu bé mới 12 tuổi. Ahmed được tha chết nhưng bị tuyển mộ vào một hàng ngũ đặc biệt gồm toàn trẻ em mà IS gọi là những "con sói non".

Một năm trôi qua, Ahmed hiện sống an toàn tại một cơ sở ở Stuttgart, Đức, cùng 70 đồng hương người Yazidi. Cậu tới được Đức là nhờ một dự án tị nạn dành riêng cho những phụ nữ và trẻ em may mắn trốn thoát khỏi "nanh vuốt" của IS.  Mẹ của Ahmed ở lại Iraq để chờ tin cha cậu còn các anh trai thì vẫn mất tích, có lẽ rơi vào tay IS hoặc nhiều khả năng là nằm trong số những người thiệt mạng sau vụ thảm sát mà chưa được nhận dạng.

"Gia nhập Daesh, cháu không được tới trường với các bạn nữ, không được học toán. Cháu phải đến một nơi với rất nhiều trẻ em, học cách sử dụng vũ khí. Có khoảng 60 đến 70 người, con gái không được phép tham gia", IBTimes dẫn lời Ahmed nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, cậu sử dụng tên viết bằng tiếng Arab của IS.

"Thay vào đó chúng cháu học cách tháo lắp súng và nạp đạn. Chúng cháu còn học cả cách làm sao để ném lựu đạn đi xa", Ahmed kể.

Ahmed cho biết cậu và gia đình mình bị giam giữ trong khoảng 9 tháng tại nhiều địa điểm khác nhau ở Iraq và Syria. Người thân của Ahmed lần lượt bị bán đi. Trước đó, IS nhồi nhét họ trong một căn phòng chật chội, kín như bưng.

Bạn bè của Ahmed tại trại huấn luyện đến từ rất nhiều quốc gia như Morocco, Afghanistan, Algeria, Tunisia, Jordan hay Đức. "Chúng cháu ở cùng nhau cả ngày và mặc một bộ đồng phục đặc biệt như người lớn", Ahmed cho hay.

IS nắm quyền kiểm soát hầu hết mọi trường học tại các vùng đất chúng chiếm đóng và thay đổi hoàn toàn chương trình giảng dạy. Chuyên gia nhận định, xét về mức độ lạm dụng những đứa trẻ cũng như cách thức mà IS "tẩy não" các em, phương pháp mà phiến quân áp dụng là chưa từng có tiền lệ.

"Tôi đã nghiên cứu về các nhóm khủng bố 20 năm qua vậy mà chưa bao giờ thấy một hệ thống truyền bá tư tưởng nào kinh khủng như của IS", ông John Horgan từ Viện nghiên cứu Toàn cầu thuộc Đại học bang Georgia, Mỹ, nhận xét.

Ahmed cho hay nhiệm vụ đầu tiên mà các chiến binh IS nhí phải thực hiện đó là đọc và học thuộc lòng kinh Quran, kết hợp với tham gia các bài huấn luyện thể lực và sử dụng vũ khí hạng nhẹ, rồi sau đó là huấn luyện chuyên sâu. Theo lời kể của Ahmed, giáo viên phụ trách cậu là "một người đàn ông lớn tuổi và lúc nào cũng cáu gắt".

Ahmed và gia đình cậu nằm trong số hàng trăm phụ nữ và trẻ em người Yazidi bị phiến quân bắt cóc ở Sinjar mùa hè năm ngoái đã tẩu thoát thành công khỏi IS. Chính quyền liên bang Baden-Wurttemberg của Đức đến nay vẫn một mình đứng ra giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em gặp khủng hoảng sau khi rời khỏi IS. Trong một dự án được tiến hành bí mật 6 tháng qua, chính quyền Baden-Wurttemberg đã ban hành visa cho nhóm của Ahmed đồng thời cung cấp nơi lánh nạn cho khoảng 1.000 người sống sót đến từ các khu vực bị IS tàn phá nặng nề nhất ở Iraq và Syria.

Giáo sư Jan Kizilhan, người tổ chức các chương trình tư vấn chấn thương tâm lý cho người tị nạn ở Baden-Wurttemberg, cho hay đa phần những đứa trẻ bị IS bắt giữ đều trải qua các khóa huấn luyện quân sự.

Sau khi phỏng vấn 1.200 cựu tù nhân IS, ông Kizilhan kết luận "sự tàn bạo và hà khắc của IS đã bị đánh giá thấp. Những tay súng này không hề tồn tại chút lòng nhân đạo nào đối với các nạn nhân của mình, dù đó có là phụ nữ hay trẻ em đi chăng nữa".

Không chỉ bị lợi dụng phục vụ cho những chiến dịch tuyên truyền của tổ chức, các chiến binh nhí IS còn là nạn nhân của những tư tưởng cực đoan do IS tiêm nhiễm, ông Kizilhan nhấn mạnh.

"Một cậu bé mà tôi từng trò chuyện nói rằng cậu không thể buông lời chỉ trích Daesh vì nếu làm thế cậu sẽ bị chặt đầu", Kizilhan kể.

Những chiến binh nhí IS được dự đoán trong tương lai sẽ nắm giữ những vai trò quan trọng đối với cuộc chiến của tổ chức này ở Iraq và Syria, ông Horgan nhận định. Đến nay đã có 50 đứa trẻ chết vì chiến đấu cho IS.

"Trẻ em có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện bên trong tổ chức, từ vận chuyển vũ khí, làm y tá, bảo vệ hay trở thành phần tử đánh bom tự sát. Nếu có một cuộc xung đột xảy ra, tôi nghĩ lũ trẻ sẽ ngay lập tức bị đẩy lên tiền tuyến".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.