Song phương ở Myanmar

TP - Ngày 9/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới. 

Các cuộc tiếp xúc song phương


Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 9/8 tại Myanmar, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan.

Song phương ở Myanmar ảnh 1 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry ngày 9/8 tại Myanmar. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hai bên bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được kể từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh năm 2015 hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ngoại trưởng Kerry đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại ASEAN và trong khu vực, nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao.

Hai bên cũng trao đổi về một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có đàm phán về Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (TPP), hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân dân sự. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông. 

Trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, hai bên nhất trí cần tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao. Bà Swaraj nhấn mạnh, Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại hướng Đông của Ấn Độ. Hai bên nhất trí xác định các lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Wunna Maung Lwin, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Myanmar; sớm tổ chức họp Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 và Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Myanmar lần thứ 8 tại Myanmar; trao đổi về việc lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đề nghị Myanmar tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại nước này.

Việt Nam tái khẳng định lập trường đối với các vấn đề trên biển

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/8 tại Myanmar. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, tuy nhiên, thời gian qua, mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên biển do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lại lập trường, nguyên tắc của Việt Nam đối với các vấn đề trên biển. Phó Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình và quan trọng nhất là không để tái diễn vụ việc tương tự như vừa qua, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết ổn thỏa tranh chấp, bất đồng tại biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và những nhận thức chung giữa hai nước như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Phó Thủ tướng khẳng định tình hình phức tạp, căng thẳng ở biển Đông cho thấy sự cần thiết phải nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, hai nước là láng giềng, cần tăng cường hợp tác, cùng phát triển, giải quyết thỏa đáng các vấn đề khó khăn trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề biển Đông. 

ASEAN và các đối tác quan ngại tình hình biển Đông

Tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 diễn ra ngày 9/8 tại Myanmar, các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; do đó, cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. 

MỚI - NÓNG