Sự quay trở lại đầy ấn tượng của Daniel Ortega

Sự quay trở lại đầy ấn tượng của Daniel Ortega
TPCN - Ngày 5/11 vừa qua, tại quốc gia Trung Mỹ Nicaragua đã diễn ra cuộc bầu cử gây sự chú ý của dư luận Daniel Ortega - người có biệt danh “Fidel Castro thứ hai” lại lần thứ tư ra tranh cử Tổng thống.
Sự quay trở lại đầy ấn tượng của Daniel Ortega ảnh 1
Dân chúng Nicaragua mừng ông Daniel Ortega thắng cử

Với cam kết “Sẽ thành lập một chính phủ hoà bình và hoà giải cả nước”, Daniel Ortega đã giành thắng lợi áp đảo trước đối thủ của ông là Eduardo Montealegre.

Nhà lãnh đạo đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino này đã trở thành Tổng thống mới của Nicaragua mà không cần tới cuộc bỏ phiếu vòng hai.

Năm nay 61 tuổi, Daniel Ortega được coi là “Nhà cách mạng bẩm sinh” của Mỹ Latinh. Cha mẹ ông đều là những người hoạt động cách mạng chống lại ách thống trị của tên độc tài Somosa, đều bị cầm tù, còn anh trai ông thì hy sinh trong một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Năm 15 tuổi, Daniel Ortega đã gia nhập MTGP Sandino và ngay lập tức cùng đồng đội tiến hành một vụ động trời là mang vũ khí cướp một chi nhánh của Ngân hàng châu Mỹ để lấy tiền cho tổ chức hoạt động.

Thời trai trẻ, Daniel Ortega đã nhiều lần bị quân chính phủ bắt giam, bị tra tấn dã man, nhưng tất cả những điều đó chỉ càng tôi luyện nên ở ông đức tính độc lập, kiên cường và rất nhạy cảm.

Vào cuối những năm 1970, MTGP Sandino do ông lãnh đạo đã đánh đổ được chính quyền Somosa, năm 1984 ông lên làm Tổng thống Nicaragua.

Ngay sau khi nắm quyền, ông đã bãi bỏ mọi đặc quyền mà người Mỹ được hưởng ở Nicaragua và điều này đã khiến Washington nổi giận tiến hành trừng phạt kinh tế.

Nhà Trắng đã ủng hộ lực lượng phiến loạn cánh hữu chống chính phủ Contra khiến đất nước Nicaragua lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Năm 1990, Daniel Ortega bị thất cử, sau đó ông lại ra tranh cử hai lần nữa nhưng đều không thành công.

Daniel Ortega còn là một nhà thơ. Thời trẻ, ngoài những giờ chiến đấu, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm thi ca. Vợ ông, bà Rosario cũng là nhà thơ, nàng thơ đã xe duyên cho họ.

Hồi những năm 1960, khi Daniel Ortega bị cầm tù, Rosario đi thăm nom, hai người trẻ tuổi này đã giao lưu với nhau bằng thơ rồi yêu nhau. Cho đến nay, Daniel Ortega vẫn không bỏ sáng tác khi có thi hứng.

Quan hệ giữa Daniel Ortega và Hugo Sanchez – TT Venezuela rất đặc biệt, ông là khách quý của Chính phủ Venezuela.

Cách thức ủng hộ Daniel Ortega của ông Chavez cũng rất đặc biệt: bán dầu thô và xăng với giá rẻ cho đất nước Nicaragua vốn thiếu thốn về năng lượng, nhưng không qua Chính phủ mà qua đảng MTGP Sandino để họ phân phối cho dân chúng.

Cử chỉ đó rất được lòng người và khiến Chính phủ Nicaragua lâm vào tình thế khó xử.

Chiến thắng của ông Daniel Ortega cũng phản ánh thực tế nghèo đói của Nicaragua dưới thời cầm quyền của Liên minh cánh hữu trong thời gian qua.

Dù chính trị khá ổn định nhưng bức tranh kinh tế -  xã hội lại vô cùng ảm đạm, sự phân hoá giàu nghèo diễn ra sâu sắc, nền kinh tế phát triển ì ạch, tham nhũng lan tràn…đã dẫn đến sự xói mòn niềm tin của dân chúng vào tầng lớp lãnh đạo.

Lợi ích kinh tế, lợi ích phát triển của người dân không được đảm bảo có thể biến thành sự đe dọa tiềm ẩn, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, sự ủng hộ trở lại của dân chúng dành cho ông Daniel Ortega cũng đồng nghĩa vị tổng thống được dân bầu gánh trên vai trọng trách lớn. Có lợi thế kinh nghiệm của quá trình hoạt động trên chính trường lâu dài, song bối cảnh thời cuộc mới buộc ông Daniel Ortega sẽ phải có những tư duy lãnh đạo mới.

Cương lĩnh tranh cử với nhiều điểm đổi mới của ông Daniel Ortega cho thấy có thể đặt hy vọng ở vị lãnh đạo này. Đó là cam kết tập trung phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ủng hộ phát triển doanh nghiệp tư nhân….

Một điểm đáng chú ý đó là ông Daniel Ortega chủ trương ủng hộ hiệp định tự do thương mại và duy trì quan hệ với Mỹ.

Chiến thắng của ông Daniel Ortega được dư luận trong khu vực Mỹ Latinh đánh giá cao. Sự gia tăng vai trò của phong trào cánh tả đã được khẳng định qua các cuộc bầu cử vừa qua ở Argentina, Venezuela, Chile, Uruguay, Bolivia, Brasil, Nicaragua…đồng thời cũng phản ánh tiến trình dân chủ hoá sâu sắc ở khu vực này.

Một thực tiễn không thể phủ nhận đó là những chuyển biến tích cực, xu thế hoà bình, ổn định chính trị ngày càng đi lên ở Mỹ Latinh. Chủ nghĩa tự do mới diễn ra trong thập niên 90 của thế kỷ trước ở Mỹ Latinh đã bộc lộ những hạn chế, để lại những hậu quả nhất định về mặt xã hội.

Bởi vậy, những chuyển động mới tại Mỹ Latinh hiện nay là sự chuyển đổi tất yếu trong nỗ lực đem đến một xã hội phồn vinh, không còn đói nghèo, dân chủ, công bằng cho người dân ở khu vực này.

MỚI - NÓNG