Sự thật về "đại dịch thế kỷ” H1N1

Sự thật về "đại dịch thế kỷ” H1N1
Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu đã phải thành lập ủy ban điều tra về vai trò lobby của các hãng dược phẩm đối với các chuyên gia y tế để thổi phồng mức độ báo động dịch cúm A/H1N1 thành một “đại dịch thế kỷ”.

Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu gọi đó là một “chiến dịch đầu độc dư luận” có quy mô lớn!

Báo L’Humanité (Pháp) chạy tít lớn: “Họ đã dựng nên một tâm lý hoảng loạn” trên số báo ngày 6-1. Họ ở đây chính là các hãng dược phẩm bị ông Wolfgang Wodarg, chủ tịch Ủy ban y tế của Hội đồng châu Âu, vạch mặt.

Vị bác sĩ dịch tễ học người Đức này đã nhận được sự nhất trí của cả Hội đồng châu Âu để thành lập một ủy ban điều tra về vai trò lobby của các hãng dược phẩm qua cách điều hành dịch cúm A/H1N1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của các chính phủ.

Trả lời phỏng vấn báo L’Humanité, Wolfgang lên án các hãng bào chế này là đã xúi giục - kể cả hối lộ - giới chuyên gia và những người có trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng để thổi phồng mức báo động dịch cúm A/H1N1 thành “một đại dịch thế kỷ” nhằm bán các sản phẩm của họ. Wolfgang Wodarg nhấn mạnh cuộc điều tra là để làm rõ về điều mà ông gọi là “chiến dịch đầu độc dư luận có quy mô lớn” này.

Thay đổi một định nghĩa

Điều gì đã khiến ông nghi ngờ ảnh hưởng của các hãng bào chế dược đối với những quyết định liên quan đến cúm A/H1N1?

Sự thật về "đại dịch thế kỷ” H1N1 ảnh 1
Wolfgang Wodarg, bác sĩ người Đức, chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu - Ảnh: SPD

- Vào tháng 4, khi tín hiệu đầu tiên đến từ Mexico, tôi đã rất ngạc nhiên về những số liệu mà WHO đưa ra để làm cơ sở tuyên bố đại dịch. Các số liệu này rất thấp mà mức báo động lại rất cao. Thậm chí chưa có đến 1.000 người bị nhiễm mà sao người ta đã ì xèo lên thành đại dịch thế kỷ.

Mức báo động cực cao này lại được tuyên bố dựa trên việc cho rằng virus này là mới. Thế nhưng, do đặc điểm của các bệnh cúm hằng năm, chẳng có gì là mới ở đây cả. Trên thực tế, chẳng có gì có thể biện minh được cho mức báo động cao như vậy cả. Điều này chỉ có thể diễn ra bởi vì ngay từ đầu tháng 5, WHO đã thay đổi định nghĩa về đại dịch.

Trước thời điểm đó, việc tuyên bố đại dịch là phải chờ đến khi không chỉ dịch bùng nổ hàng loạt ở nhiều quốc gia mà còn là khi nó gây hậu quả rất nghiêm trọng với số ca tử vong vượt mức bình quân trước nay. Khía cạnh này đã bị xóa bỏ trong định nghĩa mới để chỉ còn giữ lại tiêu chí tốc độ lây lan của dịch.

Thậm chí người ta còn nói rằng virus mới cực kỳ nguy hiểm bởi người dân ở các quốc gia không thể phát triển các cơ chế miễn nhiễm chống lại nó. Nói thế là sai đối với virus mới này. Bởi có thể quan sát thấy rằng những người già trên 60 tuổi đã có sẵn những kháng thể, nghĩa là họ từng tiếp xúc với những virus tương tự. Do vậy mà vì sao trong thực tế không phải người già trên 60 tuổi phát triển dịch. Thế nhưng, người ta lại khuyến cáo phải nhanh chóng tiêm phòng cho họ.

Trong những nghi ngờ của tôi, bởi vậy không chỉ là ý muốn tuyên bố tình trạng báo động mà còn có nhiều sự kiện rất lạ lùng như việc WHO khuyến cáo tiêm phòng hai liều văcxin chẳng hạn. Trước giờ chưa hề như thế. Chẳng hề có cơ sở khoa học nào biện minh cho việc này. Lại còn việc khuyến cáo chỉ được dùng những văcxin chuyên biệt đã được cấp phép(...). Nói cách khác, người ta chỉ muốn sử dụng những sản phẩm mới được cấp phép này (còn chưa được kiểm nghiệm đầy đủ) thay vì tiến hành điều chế những văcxin theo cách trước giờ vừa đơn giản, khả thi lại vừa ít tốn kém hơn. Việc làm này chẳng có lý do nào khác, duy nhất chỉ là để tiếp thị.

Sự thật về "đại dịch thế kỷ” H1N1 ảnh 2
Nhân viên y tế Algeria chuẩn bị văcxin cúm A/H1N1 ngày 29-12-2009 - Ảnh: Reuters

Làm sao người ta lại có thể biện minh cho việc làm này?

- Để hiểu điều này, cần trở lại giai đoạn cúm gia cầm 2005-2006. Thời điểm đó, các kế hoạch quốc tế mới nhằm đối phó với báo động đại dịch đã được đưa ra. Các kế hoạch này được chính thức soạn thảo để đảm bảo sản xuất nhanh các loại văcxin trong trường hợp có báo động. Đã có một cuộc thương lượng giữa các hãng bào chế dược và các chính phủ.

Theo đó, các hãng bào chế dược phải chuẩn bị để sẵn sàng có sản phẩm, còn các chính phủ phải đảm bảo mua hết các sản phẩm của họ. Kết quả là trên thương trường kỳ cục này, công nghiệp dược không hề phải đối mặt với bất kỳ rủi ro kinh tế nào khi tiến hành bào chế dược phẩm mới. Và nó được đảm bảo là sẽ trúng độc đắc trong trường hợp bùng nổ một đại dịch.

Ông không thừa nhận những xét nghiệm đã được lập cũng như tính chất nghiêm trọng, thậm chí tiềm tàng của cúm A/H1N1?

- Đó là dịch cúm bình thường, không có gì bình thường hơn nữa. Nó chỉ gây ra một phần mười số ca tử vong so với cúm mùa trước nay. Những tác động cùng diễn biến dẫn đến cả một chiến dịch gây hốt hoảng như chúng ta đã chứng kiến đã trở thành một cơ hội bằng vàng cho các hãng dược phẩm vốn biết rõ cách sờ tay vào lô độc đắc trong trường hợp có tuyên bố đại dịch.

Đây đúng là lời lên án rất nặng nề. Làm thế nào một tiến trình như thế lại có thể diễn ra trong lòng WHO?

- Một nhóm người ở WHO đã liên kết rất chặt chẽ với ngành công nghiệp dược.

Một sự lãng phí lớn

Cuộc điều tra của Hội đồng châu Âu cũng sẽ diễn tiến theo hướng này?

- Chúng tôi muốn làm sáng tỏ toàn bộ những gì đã tạo nên một chiến dịch đầu độc dư luận quy mô lớn như thế: ai đã quyết định? Trên cơ sở chứng lý khoa học nào? Công nghiệp dược phẩm đã tác động ra sao đến việc ra quyết định? Và cuối cùng là đưa ra những yêu cầu đối với các chính phủ.

Mục tiêu của ủy ban điều tra là làm thế nào để đừng xảy ra trong tương lai những kiểu báo động giả như thế nữa, để người dân các nước có thể trông nhờ vào việc phân tích, giám định của các thiết chế công cấp quốc gia và quốc tế. Các thiết chế này hiện đang bị mất uy tín bởi hàng triệu người đã được chích ngừa những sản phẩm mang nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe của họ.

Toàn bộ vụ việc này dẫn đến một sự lãng phí lớn tiền bạc của nhà nước. Như ở Đức là 700 triệu euro. Nhưng rất khó biết được con số chính xác, bởi lúc này người ta đang nói đến việc bán lại văcxin cho các nước khác, nhất là các hãng dược phẩm không cho nhau biết, nhân danh “bí mật kinh doanh”, số liệu các hợp đồng đã ký với các chính phủ.

“Những người của mình”

Việc các hãng dược phẩm lobby các viện y tế quốc gia cũng sẽ được ủy ban điều tra để mắt đến?

- Phải, chúng tôi sẽ quan tâm đến thái độ của các viện như Viện Robert Koch ở Đức, Viện Pasteur ở Pháp, những nơi mà lẽ ra trong thực tế phải có tiếng nói tư vấn mạnh mẽ cho chính phủ nước mình. Ở nhiều nước như Phần Lan, Ba Lan, các viện này đã gióng lên được những tiếng nói phê phán thẳng thắn.

Chiến dịch đầu độc dư luận toàn cầu sẽ không thể xảy ra được một khi công nghiệp dược không có “các đại diện của mình” trong chính phủ các nước lớn?

- Chuyện có “những đại diện của mình” ở trong các bộ là tất nhiên thôi. Tôi không sao tự lý giải nổi làm thế nào mà các chuyên gia, những người rất thông minh, nằm lòng những triệu chứng của cúm lại không nhận ra việc gì đang xảy ra.

Vậy thì việc gì đã xảy ra?

- Chẳng cần phải đến mức hối lộ trực tiếp ai, điều mà tôi tin là có thôi. Có 1.001 cách để các hãng bào chế dược tác động đến các quyết định. Tôi có thể khẳng định điều này cụ thể. Chẳng hạn, làm thế nào Klaus Stohr - người đứng đầu ủy ban dịch tễ học WHO vào thời điểm cúm gia cầm và cũng là người chuẩn bị những kế hoạch đối phó với một đại dịch mà tôi đã nêu ở trên, lại cùng lúc trở thành một viên chức cao cấp ở Hãng bào chế dược Novartis.

Cũng có những mối quan hệ tương tự tồn tại giữa Glaxo hay Baxter và nhiều nhân vật có thế lực ở WHO. Các hãng bào chế lớn này đều cắm “những người của mình” trong các bộ máy và sau đó những người này tự xoay xở để có được những quyết định có lợi cho mình, nghĩa là những quyết định cho phép “bơm” được lợi nhuận tối đa vào túi các cổ đông.

Văcxin nguy hiểm hơn virus!

Theo báo Le Point ngày 5-1, chính phủ Pháp quyết định bán lại một lượng văcxin để giảm bớt thâm hụt ngân sách. Nữ bộ trưởng Y tế Pháp Roselyne Bachelot, trước những phê phán mạnh mẽ của dư luận về cung cách điều hành qua dịch cúm A/H1N1, đã phải thương lượng với các hãng bào chế dược nhằm hủy bỏ một nửa lượng văcxin đã đặt hàng.

Mặt khác, kết quả thăm dò mới nhất được đăng trên báo Le Figaro vào giữa tháng 12-2009 cho thấy người Pháp xem virus cúm A/H1N1 là ít hoặc không nguy hiểm, đa số họ thậm chí tin rằng văcxin còn nguy hiểm hơn cả virus!

Kể từ khi văcxin cúm A/H1N1 xuất hiện trong bối cảnh hoảng hốt toàn cầu, một câu hỏi luôn dằn vặt các cư dân trên mạng: “Sự thật ở đâu?“.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...