Sự thật về dân quân Trung Quốc trên biển

Tàu cá ở Hải Nam, Trung Quốc được tận dụng để thúc đẩy yêu sách chủ quyền. Ảnh: Barcroft Images
Tàu cá ở Hải Nam, Trung Quốc được tận dụng để thúc đẩy yêu sách chủ quyền. Ảnh: Barcroft Images
TP - Nhập cuộc điều tra, phóng viên BBC nhận thấy, Trung Quốc không có cuốn sách cổ liên quan biển Đông mà họ khoe khoang gần đây, trong khi đó, nước này tăng số lượng dân quân trên tàu cá để có thể chiếm đóng trên biển, giám sát hoặc quấy rối tàu của nước khác.

Đảo Hải Nam là nơi mọi thứ đều được bẻ theo hướng biện hộ cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông, từ chính sách của chính phủ đến quân đội, từ đánh bắt cá đến du lịch, thậm chí cả lịch sử. Để tìm hiểu những điều này, nhà báo John Sudworth của BBC đã đến cảng cá Tanmen ở bờ phía nam của Hải Nam, vì báo chí nhà nước Trung Quốc gần đây rộ lên về sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt - cuốn sách 600 năm tuổi chứa bằng chứng quan trọng của quốc gia.

Cuốn sách này thuộc sở hữu của một ngư dân đã nghỉ hưu tên là Su Chengfen. Cuốn sách được nói là đã ghi chép lại những hướng dẫn đi biển chính xác, giúp cha ông của ngư dân này có thể đến được những bãi đá và bãi san hô nằm rải rác ở tít quần đảo Trường Sa, cách Hải Nam vài trăm hải lý. 

Trung Quốc khăng khăng cho rằng, những thực thể này là của họ, dựa trên lý lẽ rằng họ là “người đến trước”. Vì thế, cuốn sách của ngư dân 81 tuổi Su Chengfen có thể sánh như Chén Thánh trên biển. Báo chí Trung Quốc gọi đây là “bằng chứng thép” khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc trên biển Đông.

Vì thế, phóng viên BBC đến gặp ông Su khi ông này đang bận làm một mô hình thuyền trên sân nhà. “Nó (cuốn sách) được truyền từ đời này sang đời khác. Từ thế hệ ông nội tôi đến đời cha tôi rồi đến tôi”, ông Su kể. “Nó chủ yếu dạy chúng tôi đi đến nơi nào đó và trở về, cách đi đến Hoàng Sa và Trường Sa, và cách trở về Hải Nam”, ông này giải thích. 

Nhưng khi phóng viên BBC ngỏ ý muốn xem cuốn sách, ông Su đưa ra câu trả lời cực kỳ ngỡ ngàng, rằng cuốn sách không còn nữa. Cho dù chỉ cách đây vài tuần, báo chí Trung Quốc đưa tin cực kỳ rộng rãi về nó. “Dù cuốn sách rất quan trọng, nhưng tôi đã ném nó đi vì nó hỏng rồi”, ông Su nói. “Nó bị lật đi lật lại quá nhiều lần. Nước biển mặn dính trên tay khiến cuốn sách bị hỏng… Rốt cuộc, nó không còn đọc được nữa nên tôi ném nó đi”.

Dù bản chất câu chuyện ra sao cũng cho thấy “bằng chứng thép” chẳng là gì. Phóng viên BBC rời nhà ông Su để tiếp tục tìm hiểu cách mà Hải Nam đang làm để kiểm soát thông điệp của họ về vấn đề biển Đông.

Dân quân trên biển

Nhà báo Sudworth viết rằng, ông đi bất kỳ chỗ nào ở Hải Nam đều bị xe của chính phủ Trung Quốc bám theo, từ bến cảng - nơi ông cố gắng phỏng vấn ngư dân, đến chợ cá - nơi ông nói chuyện với thương lái, rồi cả trên đường về khách sạn. Một thuyền trưởng nhận trả lời phỏng vấn ngay lập tức bị cảnh sát gọi đi.

Khả năng Trung Quốc cầm chắc phần thua khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện chống lại yêu sách chủ quyền mang tên “đường 9 đoạn” là lý do Trung Quốc đang lớn tiếng bảo vệ quan điểm của họ bằng những cách khác: gia tăng tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh rằng lịch sử đứng về phía họ, đồng thời tăng cường ngoại giao để tìm kiếm đồng minh. 

Điều này có thể giải thích tại sao sự có mặt của một nhà báo nước ngoài ở Hải Nam vào thời điểm đặc biệt này thu hút sự chú ý của chính quyền nhiều đến thế. Trong trường hợp của Sudworth, ông cho rằng có thể còn lý do khác, là ông đã hỏi quá nhiều về lực lượng “dân quân trên biển” của Hải Nam.

Trung Quốc đã huấn luyện quân sự cho lực lượng ngư dân suốt nhiều thập kỷ qua, số lượng dân quân trên các tàu cá ngày càng nhiều và lực lượng này đóng vai trò ngày càng lớn trong việc hỗ trợ  đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng này có lợi thế chiến lược là có thể tham gia những hoạt động quân sự không thường xuyên, có thể chiếm đóng trên biển, giám sát hoặc quấy rối những tàu khác, trong khi vẫn hoạt động dưới vỏ bọc đánh cá dân sự.

Hoạt động của những đơn vị dân quân trên đảo Tanmen đã được ghi chép trong nhiều tài liệu. Họ thậm chí còn có trụ sở riêng bên trong tổ hợp của chính quyền, và từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm năm 2013.

Theo GS Andrew Erickson ở Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, việc sử dụng lực lượng dân quân - ngư dân gây ra nhiều nguy cơ. Và khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế đưa ra phán quyết trong vài tuần tới, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách gia tăng phản đối và thúc đẩy yêu sách chủ quyền. “Tôi nghĩ việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân trên biển để tăng cường tiếp cận vùng biển giáp ranh, quấy rối tàu Mỹ, Philippines và các nước khác là điều mà các nhà làm chính sách ở những nước đó nên chuẩn bị đối phó”, GS Erickson nói. Phán quyết của tòa có thể sẽ càng khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng, chỉ còn một cách để tiến về phía trước: vũ lực.

Hải quân Indonesia bắt tàu cá Trung Quốc

Trung Quốc cáo buộc Hải quân Indonesia bắn một tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trên ngư trường tranh chấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/6 nói rằng, một ngư dân của họ bị thương và nhiều người bị bắt giữ. Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước ở khu vực gần quần đảo Natura trên biển Đông. Hải quân Indonesia xác nhận sự việc, nhưng khẳng định không ai bị thương, và rằng tàu cá mang cờ Trung Quốc đã bị thu giữ. Đây là lần thứ ba trong năm nay Trung Quốc và Indonesia bất đồng về hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc trên vùng biển mà Bắc Kinh thừa nhận là thuộc về Jakarta, nhưng vẫn gọi là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc, CNA đưa tin.

Theo Theo BBC, CNA
MỚI - NÓNG