Sự thật về thảm hoạ Chernobyl qua những bức ảnh

Sự thật về thảm hoạ Chernobyl qua những bức ảnh
TPO- Sau 20 năm kể từ khi thảm hoạ xảy ra, một cuộc triển lãm ảnh tại Berlin gần đây đã phần nào đặc tả được những nỗi đau, sự mất mát mà những người dân vô tội, những em bé ngây thơ phải gánh chịu.
Sự thật về thảm hoạ Chernobyl qua những bức ảnh ảnh 1

Triển lãm ảnh lần này ngoài ý nghĩa như là một bức thông điệp gửi tới tất cả mọi người trên thế giới rằng hãy làm sao giảm thiểu được những rủi ro không đáng có cũng như một lời kêu gọi hãy cùng chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân bất hạnh.   

Các bức ảnh của Paul Fusco đặc tả  những nỗi đau của cô bé Wowa, 15 tuổi, một cô bé đầy can đảm khi nhìn thẳng vào ống kính với một bên chân đã bị cắt bỏ, chân còn lại trông như một cục thịt kỳ dị mọc ra từ một cơ thể thật tội nghiệp. Bộ ảnh này mang tên: "Wowa sẽ chết".

Đúng vào lúc 1 giờ 23 phút ngày 26/4/1986, một lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (của Liên Xô cũ) đã phát ra một tiếng nổ kinh trời động đất. Khoảng 2.000 tấn vật liệu phóng xạ đã bị phát tán vào không khí, trên một diện tích khoảng 200.000 km2.

Có khoảng 240.000 trẻ em sau đó phải sống vất vưởng, cô đơn tại các trại trẻ tàn tật và mồ côi ở ngoại ô Thủ đô Kiep của Ucraina. Trong đó có khoảng 4.000 em bị mắc bệnh ung thư. Trong các thế hệ trẻ em được sinh ra trong những năm gần đây thì số người bị mắc bệnh ung thư, các bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch tăng một cách đột biến.

Còn tại Belarus, một số lượng bệnh nhân không nhỏ trong hàng chục triệu người bị mắc các chứng bệnh do nhiễm phóng xạ đã tử vong. Có tới 70% các khu dân cư tại vùng gần Chernobyl bị bỏ trống, 1/6 lãnh thổ bị nhiễm phóng xạ.

Cô bé Wowa được sinh ra ở Thủ đô Minsk là một trong những nạn nhân vô tội của thảm họa. Nỗi đau của cô bé nói rằng "Thảm hoạ vẫn ngày một lan rộng" và rằng "Không bao giờ được phép quên đi nỗi đau Chernobyl". Triển lãm ảnh tại Berlin năm nay đã có 6 nhà nhiếp ảnh tham gia với chung một chủ đề : "Chernobyl - một thảm hoạ và hậu quả khôn lường của nó".

Nỗi đau cùng cực được đặc tả một cách chân thực

 Những tấm ảnh của các nhà nhiếp ảnh Paul Fusco, Andreas Gefeller, Anatol Kliashchuk, Igor Kostin, Ruediger Lubricht và Gerd Ludwig đã cho ta thấy sự tàn phá vô cùng khủng khiếp của chất phóng xạ .

Từ năm 1985, Anatol Kliashchuk đã làm việc ở Belarus với tư cách là một phóng viên chuyên về ảnh phóng sự. Thông qua những bức ảnh của mình, ông  phản ánh  số phận bi đát của các gia đình và trẻ em tại khu vực  xẩy ra sự cố hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại ngay từ những ngày đầu tiên.

Một bé gái trên đầu không một sợi tóc đang bế trên tay một con búp bê có mái tóc dài. Một đứa trẻ mồ côi ngồi thu cả chân tay trên sô pha chỉ đơn giản vì hai chân của cậu bé bị biến dạng trông như chân của một chú chó con đang ngồi kế bên. Những đứa trẻ ngơ ngác trong hành lang tối tăm của một bệnh viện, một số bị thần kinh phải nhốt trong cũi.

Đối tượng chính trong các bức ảnh của Paul Fusco là những đứa trẻ tật nguyền bẩm sinh đã được đưa sang Mỹ, những đứa trẻ bất hạnh này đã bị Nhà nước bỏ mặc, cha mẹ bỏ rơi vì họ không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy hình hài kỳ dị của đứa con do chính mình đẻ ra. Chúng là những đứa trẻ với cái bướu to như quả dưa hấu trên đầu, đôi chân chỉ bằng chiếc se điếu mà trên đó mọc ra nhiều ngón chân trông như nắm tay của một người đàn ông.

 Paul Fusco giới thiệu những gì mình thu nhận được không phải nhằm mục đích để trình làng một tập ảnh kinh dị mà ông muốn bày tỏ thái độ trân trọng đến thắt lòng trước những nỗi đau của con người.

Sự chết chóc tại nơi xảy ra thảm hoạ

 Ngay từ ngày 26/4/1986 - ngày xảy ra thảm kịch, Igor Kostin  đã cho đăng tải bức ảnh đầu tiên có một không hai của mình. Bức ảnh về bức xạ hạt nhân được phóng to đã làm cho những ai được nhìn thấy nó đều phải kinh sợ, nó đã trở thành "đặc sản" của thảm hoạ Chernobyl. Ông đã trở thành nhà chép sử nổi tiếng chuyên đặc tả những nỗi đau tột cùng của con người trong thảm họa Chernobyl , cũng đơn giản bởi ông là người đã phải trải qua khoảnh khắc hãi hùng đó.

Trong khi những người khác tìm mọi cách để bay thật nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm thì các phóng viên báo ảnh lại lao tới đây. Họ tham gia vào đội quân những người lính Xô Viết khắc phụ hậu quả vụ nổ.. Họ đã phải dùng không biết bao nhiêu là bê tông, gạch vụn để lấp vào cái hố sâu do vụ nổ để lại và đã có hàng nghìn người phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

Chính Igor Kostin đã đi cùng với họ lên nóc của lò phản ứng hạt nhân nơi mà họ đã phải thực hiện nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm của mình trong những bộ quần áo đặc biệt được dát chì và cùng họ quay trở lại các bệnh viện. Ông tận mắt nhìn thấy những mảng thịt bị biến màu trên các cơ thể nạn nhân, những hình hài thiếu đi một vài bộ phận nào đó, những đôi môi bị biến mất do sóng bức xạ, những cái miệng há to của những người chết vì nóng và khát .....

Kotstin còn có mặt ở những nơi diễn ra các sự kiện như tại các vụ kiện tụng, các cuộc biểu tình, chôn cất, những miền đất hoang tàn, những nơi không còn con người sinh sống sau khi thảm hoạ hạt nhân có một không hai này.

Đừng lãng mạn hoá một thảm hoạ

Sự mô tả một khoảng không trống rỗng đầy tính nghệ thuật đã khẳng định sức lao động vô cùng vất vả và  phần sáng tạo của các tác giả Andreas Gefeller, Ruediger Lubricht và Gerd Ludwig.

Cũng như người đồng hương của mình là Gerd Ludwig, ông Ruediger Lubricht đã chu du khắp miền đất này trong suốt những năm từ 2003 đến 2005. Trong quá trình tìm kiếm, lặn lội đó ông đã thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình để phản ánh được cái  thâm u đến rợn người nói lên sự suy vong của cả một vùng đất đai rộng lớn mà thảm hoạ hạt nhân đã để lại. Ở đó được xem như là không còn sự sống, không còn con người và không còn cơ cấu xã hội.

Tác giả Andreas Gefeller lại phản ánh sự câm lặng bằng cách riêng của mình khi cố gắng thể hiện được sự sống đã bị biến khỏi nơi đây. Đó là những toà nhà cao tầng trống rỗng, hoang phế, những khu vui chơi giải trí đổ nát và các khu chợ không người. Các tác phẩm nghệ thuật của ông làm nổi bật sự tương phản giữa nền văn minh của nhân loại với sự suy thoái của khu vực này.

 Triển lãm ảnh Berlin là một bản di chúc bằng hình ảnh truyền lại cho các thế hệ mai sau để cho lịch sử, cho con cháu chúng ta phán xét một cách công bằng về những lỗi lầm của thế hệ đi trước.                                                                                                                                    

MỚI - NÓNG