Sửa đổi CFE, đòn phản công mới của Nga đối với Mỹ và NATO

Sửa đổi CFE, đòn phản công mới của Nga đối với Mỹ và NATO
Ngày 5/6, các nhà phân tích chính trị của báo Nihon Keizai, Nhật Bản nhấn mạnh Nga sẽ yêu cầu sửa đổi Hiệp định về lực lượng thông thường ở châu Âu (CFE) và coi đây là đòn "phản công" của Nga đối với Mỹ và châu Âu trước nỗ lực mở rộng NATO và kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

Trong tháng 6, Nga sẽ thông báo vấn đề này cho các nước liên quan tại hội nghị các nước tham gia CFE.

Theo CFE, xe tăng, xe bọc thép, pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu được coi là vũ khí thông thường. Theo hiệp định, Nga chỉ có thể được sở hữu khoảng hơn 6.300 xe tăng, trong khi đó, NATO lại được sở hữu khoảng 22.000 chiếc. Nga đang tính toán việc tăng thêm quyền sở hữu các loại vũ khí thông thường trên, đồng thời tìm cách giảm bớt quyền sở hữu số vũ khí này của các nước thành viên NATO.

Ngoài việc xem xét lại điều ước sở hữu vũ khí thông thường, Nga cũng sẽ yêu cầu Mỹ và châu Âu áp dụng quy định sở hữu các loại vũ khí này đối với toàn bộ thành viên NATO, bao gồm cả các nước thành viên mới như các quốc gia vùng Ban-tích.

Tổng thống Pu-tin đã phản đối việc NATO mở rộng các nước thành viên bằng việc xem xét kết nạp Ucraina. Ông Pu-tin tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định CFE nếu NATO vẫn tiếp tục "Đông tiến".

Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu các nước liên quan đến CFE tiến hành một cuộc họp khẩn cấp cấp thứ trưởng tại Viên (Áo), từ ngày 12-15/6, song vẫn chưa nhận được câu trả lời của Mỹ và châu Âu.

CFE được các nước thành viên NATO và thành viên của khối Hiệp ước Vác-sa-va trước đây ký sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1990. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hiệp định này cũng đã được điều chỉnh một lần vào năm 1999. Các quốc gia thuộc khối Vác-sa-va trước đây tham gia hiệp định này là Nga, Ucraina, Ca-dắc-xtan và Bê-la-rút.

MỚI - NÓNG