Tài liệu vừa giải mật: Cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao (Kỳ 1)

Tài liệu vừa giải mật: Cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao (Kỳ 1)
Cuốn “No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam” (Không hoà bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam) của GS Larry Berman - Giám đốc Trung tâm Washington (ĐH California) công bố những tư liệu chưa từng được biết đến qua các tài liệu vừa giải mật.

Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam mở đầu cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Cuốn sách đã được chính giáo sư Larry Berman giới thiệu tại Việt Nam. Tiền phong trích đăng một số đoạn trong cuốn sách, giúp bạn đọc thấy được phần nào những bí mật hậu trường.

Kỳ 1: Tranh cãi địa điểm đàm phán

Ngay sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế, trong bài diễn văn ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố với nhân dân Mỹ về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và mong muốn đạt được hoà bình trên bàn hội nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) để bảo toàn danh dự cho nước Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng mở ngay các cuộc đàm phán”. Tổng thống Johnson cử Đại sứ Averell Harriman làm đại diện cá nhân của ông để đàm phán và giao cho nhà ngoại giao nổi tiếng này nhiệm vụ “tìm kiếm hoà bình”.

Sau đó, Johnson khiến cả nước Mỹ kinh ngạc khi tuyên bố không tái tranh cử Tổng thống để củng cố tình đoàn kết quốc gia sau những chia rẽ vì cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ba ngày sau bài diễn văn của Tổng thống Johnson, VNDCCH thông báo đồng ý mở cuộc tiếp xúc với đại diện ngoại giao Mỹ, nhưng cũng cẩn trọng khi nhấn mạnh rằng, các cuộc tiếp xúc bước đầu này chủ yếu phụ thuộc vào việc Mỹ có chấm dứt vô điều kiện các cuộc oanh tạc và hành động xâm lược khác tại Việt Nam hay không.

Sau khi đề nghị của mình được VNDCCH đáp ứng một cách dè dặt, Tổng thống Johnson muốn chọn Geneva làm địa điểm thương thuyết  vì Thuỵ Sĩ là một nước trung lập và thành phố Geneva có thể đón tiếp cùng lúc đông đảo giới ngoại giao cùng phóng viên quốc tế đến dự các phiên họp toàn thể. Tuy nhiên, bài học về bản Hiệp định Geneva năm 1954 dẫn tới việc miền Bắc và miền Nam Việt Nam bị chia cắt tại Vĩ tuyến 17 khiến VNDCCH không đồng ý với Tổng thống Johnson về địa điểm trên.

Geneva là màn mở đầu quan trọng của cuộc đàm phán Paris. Richard Nixon là Phó Tổng thống Mỹ và ông Phạm Văn Đồng là người đứng đầu phái đoàn VNDCCH trong thời kỳ hội nghị Geneva. Đến thời kỳ hội nghị Paris cả hai đã trở thành nhà lãnh đạo của Mỹ và Việt Nam, đều rút được bài học kinh nghiệm từ Geneva.

 Tổng thống Nixon vẫn nghĩ rằng có thể dùng lá bài cũ để ép Bắc Việt Nam phải nhân nhượng nhằm đạt được một giải pháp chính trị mà những điều khoản thỏa thuận sẽ không cần phải tôn trọng. Còn VNDCCH muốn làm chủ số phận của họ trong các cuộc đàm phán, họ không thể tin ai và không nhân nhượng điều gì khi thương thuyết. Bài học Geneva khiến hội nghị Paris ngay cả việc chọn địa điểm cũng gặp không ít trắc trở.

VNDCCH muốn đàm phán diễn ra tại Phnom Penh với dụng ý có một địa điểm gần chiến trường miền Nam Việt Nam, nhưng Mỹ không chấp nhận. Tổng thống Johnson đề nghị 4 thành phố ở châu á gồm Vientian (Lào), Rangoon (Myanmar), Jakarta (Indonesia) và New Delhi (ấn Độ), nhưng Bắc Việt Nam không đồng ý và đề nghị chọn thành phố Varsava (Ba Lan), lấy ngày 18/4/1968 làm phiên họp đầu tiên.

Tổng thống Johnson lúc đầu đồng ý, nhưng sau đó tỏ ra khó chịu vì tin tức bị tiết lộ ra ngoài và còn cho rằng Ba Lan cũng có viện trợ cho Việt Nam nên không thể coi Varsava là địa điểm trung lập. Tổng thống Johnson dặn phái viên Harriman: “Tôi không muốn hội đàm ở Varsava, Tiệp Khắc hay bất cứ nước Đông Âu nào”. Mỹ lại đề nghị 6 thành phố châu á và 4 thành phố châu Âu gồm Colombo (Sri Lanka), Tokyo (Nhật Bản), Kabul (Afghanistan), Katmandu (Nepal), Rawalpindi (Pakistan), Kuala Lumpur (Malaysia), Rome (Italy), Brussels (Bỉ), Helsinski (Phần Lan) và Vienna (áo).

Sau gần 1 tháng tranh cãi đến ngày 2/5, VNDCCH tiếp tục bác bỏ đề nghị của Mỹ về cuộc họp bí mật ở Vịnh Bắc Bộ trên một con tàu của Indonesia, nhưng ít giờ sau đã đồng ý họp ở Paris.

Thực ra Mỹ cũng không muốn họp ở Paris vì e rằng Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, người chỉ trích sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam có thể sẽ kể công về việc nước ông đóng vai trò trung gian tìm kiếm hoà bình, nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

Ngày 3/5/1968, Tổng thống Johnson thông báo hai bên đồng ý họp ở Paris, nhưng lại nảy sinh vấn đề gây tranh cãi là những ai sẽ tham dự? VNDCCH chưa chấp nhận sự tham dự của chính quyền Sài Gòn, trong khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng chưa công nhận Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP). Cuộc thương thuyết đầu tiên giữa phái đoàn Mỹ và VNDCCH diễn ra tại khách sạn Majestic bắt đầu từ ngày 13/5/1968.

 Suốt 5 tháng sau đó, các cuộc thương thuyết đạt được rất ít tiến bộ vì hai bên đều đặt ra những điều kiện tiên quyết. VNDCCH yêu cầu Mỹ ngừng ném bom toàn bộ và chấp nhận cho MTDTGP tham dự hội đàm. Mỹ đòi VNDCCH không được xâm nhập vùng phi quân sự, ngừng tấn công vào các thành phố và chấp nhận chính quyền Sài Gòn tham dự hội đàm.

Đàm phán không có kết quả, Tổng thống Johnson đã nghĩ đến giải pháp tấn công quân sự quyết liệt hơn do Bộ Tham mưu Liên quân đề xuất ngày 29/5. Theo đó, Mỹ sẽ mở rộng phạm vi ném bom miền Bắc không giới hạn, rào mìn phong tỏa các hải cảng. Tài liệu vừa giải mật cho biết, kế hoạch trên tạm ngừng khi tại Paris xuất hiện một nhân vật mới là ông Lê Đức Thọ. Công chúng không biết ông Lê Đức Thọ là ai, nhưng tình báo Pháp, Mỹ có hồ sơ rất dài về ông. Không biết ông Lê Đức Thọ mang theo chỉ thị gì, nhưng Đại sứ Harriman tin rằng việc ông đến Paris ít nhất báo hiệu sự uyển chuyển trong lập trường của VNDCCH.

MỚI - NÓNG