Tai nạn đáng tiếc hay vụ mưu sát tinh vi?

Tai nạn đáng tiếc hay vụ mưu sát tinh vi?
TP - Cảnh sát CH Czech và đại diện cơ quan an ninh Palestine đang tiếp tục điều tra nguyên nhân khiến Đại sứ Palestine Jamal al-Jamal tại Praha bị chết hôm 1/ 1 ngay trong đại sứ quán. Cảnh sát cho là tai nạn đáng tiếc, còn gia đình nạn nhân cho là vụ mưu sát.

> Chuyên gia Nga: Cố tổng thống Palestine không bị đầu độc

Đại sứ Palestine Jamal al-Jamal
Đại sứ Palestine Jamal al-Jamal.

Theo thông tin báo chí, sáng đầu năm mới, ông Jamal quyết định kiểm kê các tài liệu nằm trong một trong số 2 két sắt được chở đến từ trụ sở sứ quán cũ. Ông đề nghị vợ ông lấy giấy và bút. Khi bà vừa bước ra ngoài thì trong phòng vang lên tiếng nổ. Ông Jamal bị thương nặng ở ngực và mất một phần tay. Ông được đưa đến Quân y viện Praha và qua đời tại đấy.

Tai nạn đáng tiếc

Nguyên nhân gây nên cái chết của Đại sứ Jamal theo phía cảnh sát là do ông thiếu thận trọng khi mở két sắt. Đây là loại két sắt chuyên bảo quản tài liệu mật nên được lắp thiết bị bảo vệ có thể gây ra một vụ nổ nhỏ. Loại két sắt như vậy hiện vẫn đang được sử dụng tại nhiều phái đoàn ngoại giao, kể cả tại các sứ quán của CH Czech. Tuyên bố chính thức của cảnh sát CH Czech nhấn mạnh: “Không có bất kỳ cơ sở nào nghi ngờ có bên thứ ba trong cái chết của Đại sứ Jamal”.

Thư ký báo chí của cảnh sát còn đưa ra một tin gây chấn động nữa khi cho biết, trong khu nhà riêng của sứ quán Palestine tại ngoại ô Praha có cất giấu vũ khí bất hợp pháp, số vũ khí này đã bị phát hiện và tịch thu. Hơn thế nữa, đây là cả một kho vũ khí và chúng đều không được đăng ký.

Mưu sát tinh vi

Tuy nhiên, các thành viên gia đình ông Jamal đều khăng khăng cho rằng cái chết của ông không phải tai nạn mà là một vụ mưu sát. Cô con gái của ông tuyên bố với các nhà báo là “một cái gì đó” phía bên dưới két sắt bị nổ chứ không phải chính két sắt.

Cô cũng khẳng định, bố cô đã quen thuộc với cấu tạo của chiếc két sắt đó từ lâu, nó không hề được lắp bất kỳ một thiết bị bảo vệ công nghệ cao nào. Hơn thế nữa, chiếc két sắt đó đã nằm trong sứ quán Palestine ở Praha được gần 30 năm.

Cũng theo lời cô, bố cô đã làm việc với chiếc két sắt đó gần 20 năm, trước khi chuyển công tác đến Ai Cập. Sau khi từ Ai Cập trở lại CH Czech và nhận chức Đại sứ, ông quyết định sắp xếp lại các tài liệu trong két cho ngăn nắp.

Chiếc két sắt gây tai họa cho Đại sứ Palestine
Chiếc két sắt gây tai họa cho Đại sứ Palestine.

Cô cũng khẳng định, bố cô đã nhiều lần mở chiếc két sắt đó sau khi từ Ai Cập trở lại Praha. Cách đây ít lâu, ông lại bay sang Ai Cập và ông mới trở về được vài ngày thì bị chết. Trong thời gian ông vắng mặt, chiếc két sắt đó vẫn được các nhân viên sứ quán sử dụng như thường lệ.

Báo chí CH Czech đưa tin, trong lúc xẩy ra vụ nổ, trong nhà còn có con trai Đại sứ Jamal. Nhưng người con trai này không tuyên bố bất kỳ điều gì. Còn cảnh sát cho biết, trong lúc xẩy ra vụ nổ, trong nhà chỉ có Đại sứ và vợ. Bà cũng bị thương nặng và giờ đây khẳng định chồng bà là nạn nhân của một vụ mưu sát được tổ chức tinh vi.

Mâu thuẫn từ phía Palestine

Ngoại trưởng Palestine Riad Al-Maliki tuyên bố với các nhà báo rằng, nguyên nhân gây ra cái chết của Đại sứ Jamal là do nổ chiếc két sắt chở từ tòa nhà cũ của sứ quán đến chỗ mới. Chiếc két sắt này phủ đầy bụi tại trụ sở cũ của đại sứ quán và đã 20 - 25 năm nay không có ai đụng đến. Chiếc két nổ không phải trong lúc Đại sứ Jamal mở mà trong lúc ông đang sắp xếp những thứ nằm bên trong két.

Chỉ ít lâu sau, những lời tuyên bố của Ngoại trưởng Al-Maliki đã bị Thư ký báo chí đại sứ quán Palestine ở Praha là Nabil Al-Faal bác bỏ. Khi trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh CH Czech, ông Al-Faal tuyên bố chiếc két sắt mà Đại sứ Jamal tìm cách mở chỉ là một chiếc két sắt bình thường và vẫn thường xuyên được sử dụng. Ông nói rõ thêm: “Trong đại sứ quán Palestine tại Praha có 2 chiếc két sắt, chiếc sử dụng thường xuyên thì bị nổ, còn chiếc thứ hai vẫn khóa kín nhiều năm nay”.

Vũ Việt
Theo Newru.com.il

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.