Tâm thế nước lớn

Một máy bay Nga đáp xuống Syria.
Một máy bay Nga đáp xuống Syria.
TP - Syria trở thành tâm điểm mới nhất trong loạt diễn biến đối đầu căng thẳng giữa Mátxcơva và phương Tây, khi các lô vũ khí cùng chuyên gia quân sự Nga lần lượt cập cảng Syria những ngày đầu tháng 9.

Mỹ và phương Tây cho rằng, Nga vũ trang cho Syria sẽ khiến nội chiến ở nước này thêm trầm trọng. Mátxcơva khẳng định vũ khí thực hiện theo hợp đồng ký giữa hai nước từ trước, và chuyên gia quân sự tới Damascus để hỗ trợ Syria sử dụng thành thạo những vũ khí này. Đáp lại, Mỹ gây áp lực lên Bulgaria, Hy Lạp và Ukraine, yêu cầu không cho máy bay vận tải Nga qua không phận.

Giữa tháng 8, tại buổi tiếp Chủ tịch Liên minh Dân tộc, tổ chức đối lập chính của Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ và châu Âu nhằm giúp “người Syria đoàn kết trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước”. Tiếp sau hành động của Mátxcơva, Washington chỉ đạo liên quân mở rộng phạm vi không kích IS trên lãnh thổ Syria. Mỹ thậm chí công khai các chuyến bay do thám không phận Syria. Không ít người tin rằng, động thái bất thường của Nga và Mỹ là dấu chấm hết cho sự thống trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Vậy, lý do gì khiến Nga “động binh” ở Syria vào thời điểm chính quyền ông Assad mong manh hơn bao giờ hết? Đó là vì vị trí chiến lược của Syria. Peter Đại đế từng nói: “Khi có thể tự do tiến vào Ấn Độ Dương, Nga có thể tạo dựng sự thống trị về quân sự và chính trị trên toàn thế giới”. Xuất phát từ quan điểm này, Trung Đông được Nga xem là đầu cầu chiến lược để tiến xuống phía Nam. Nếu Kremlin quay lưng với Damascus, đồng nghĩa Nga bị đẩy khỏi khu vực này. Chưa kể Mátxcơva sẽ buộc phải đóng cửa Tatut, căn cứ hải quân chiến lược và duy nhất của Nga ở Trung Đông. Ông Assad cam kết, Syria không cho phép xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt từ Qatar sang châu Âu, vì việc đó đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế Nga. 70% nguồn thu ngoại tệ Nga nhờ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, và khí đốt cũng là con át chủ bài mà Mátxcơva có thể sử dụng để gây sức ép với châu lục này khi cần thiết.

Một lý do nữa là tâm thế nước lớn của Nga, kế thừa từ Liên bang Xô viết trước đây. Hơn 70 năm trước, cũng vào tháng 9, phát xít Đức bắt đầu vây hãm Leningrad (nay là St. Petersburg). Để bảo vệ thành phố, Liên Xô huy động cả thường dân tham gia phòng tuyến trước xe tăng Đức Quốc xã. Sau gần 3 năm cầm cự, tháng 1/1944, Liên Xô phá vỡ kế hoạch thôn tính thành phố và Leningrad trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí không thể bị đánh bại của người Nga.

Gợi nhắc sự kiện trên để thấy, tâm thế nước lớn của Nga luôn được thể hiện ở những thời khắc khó khăn và quan trọng nhất.

MỚI - NÓNG