Tầm vóc của một cây bút khoa học viễn tưởng

Tầm vóc của một cây bút khoa học viễn tưởng
TP - Ngày 19/3 vừa qua, công chúng văn học, giới khoa học vũ trụ và viễn thông toàn cầu lặng đi trước một tin, cây bút khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất hiện thời Arthus Charles Clarke (Anh), trút hơi thở cuối cùng.
Tầm vóc của một cây bút khoa học viễn tưởng ảnh 1
Arthur Charles Clarke

Ông mất tại bệnh viện lớn Colombo, thủ đô Sri Lanka, nơi mà ông cư ngụ suốt từ 1956 đến nay.

Cuối năm ngoái, ông đã cho ghi âm tâm sự cuối cùng gửi lại hậu thế. Về đời riêng, ông không hối tiếc gì cả, dù đã ba mươi năm, ông phải di chuyển bằng xe lăn, do bệnh bại liệt mắc từ nhỏ. Và dù cho đến ngoài tám mươi, ông vẫn bị đồn thổi là đồng tính luyến ái!

Ông muốn người đời nhớ đến ông như một “đứa trẻ không bao giờ lớn nữa, đứa trẻ ngừng lớn rồi”. Câu này sẽ được ghi vào bia mộ ông.

Hàng ngàn người, dân thường, học sinh, sinh viên, chức sắc tôn giáo và chính trị lũ lượt đổ về ngôi nhà “ông Tây” nổi tiếng nhất tại Sri Lanka, nghiêng mình trước “con người nhìn thấu suốt tương lai” và “nhà ước mơ khổng lồ của tất cả”.

Ông được an táng tại Nghĩa trang chính của Colombo vào chiều thứ bảy 22 tháng ba. Trước khi quan tài được hạ huyệt, dàn nhạc thành phổ cử trích đoạn bản nhạc phim 2001, cuộc phiêu du vũ trụ ly kỳ hồi hộp, “thương hiệu” bất tử của ông.

Đúng 13 giờ 30, giờ địa phương, mọi người dân Sri Lanka trong cả nước mặc niệm ông một phút, theo lời kêu gọi của Chính phủ.

Sinh năm 1917 tại Minehead, thuộc Somerset, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của người cha, một kỹ sư viễn thông giỏi nghề, yêu khoa học. Ông say mê khoảng không vũ trụ và mặt trăng đến nỗi, tới tuổi trưởng thành, ông thông thuộc các cảnh tượng “Chị Hằng” hơn phong cảnh quê hương. Trong Đại chiến II, ông tích cực góp phần cải tiến và hiệu chỉnh những chiếc radar đầu tiên của Vương quốc Anh.

Trở về London sau chiến tranh, ông theo đuổi hai môn vật lý và toán học tại Trường quốc học The King. Ngoài vô số bài báo, ông để lại chừng 100 tác phẩm, gồm tiểu luận và tự sự, loại sau khoảng 80 cuốn.

Cuộc hạnh ngộ năm 1964 với Stanley Kubrick (1928-1999) đã đưa đến sự ra đời bộ phim 2001, cuộc phiêu du vũ trụ ly kỳ hồi hộp. Ra mắt năm 1968, bộ phim thành công phi thường. Những ngày này, nó được suy tôn là “bộ phim hay nhất của mọi thời đại”, “bộ phim duy nhất gợi lên được cuộc sống tổng thể của nhân loại”.

Ấn tượng của phim càng mạnh, vì chào đời cùng lúc với nó là tiểu thuyết cùng tên của Arthur Clarke. Tiểu thuyết được nối dài bởi ba tập: 2010, cuộc phiêu du vũ trụ ly kỳ hồi hộp hai (in năm 1982) ; 2061,  cuộc phiêu du vũ trụ ly kỳ hồi hộp ba (1988); và 3001, cuộc phiêu du vũ trụ ly kỳ hồi hộp kết thúc (1997). Ông được tặng nhiều giải thưởng.

Một điều thú vị, được hỏi tác phẩm nào ông cho là lớn nhất của mình, Arthur Clarke nêu ngay một bài báo đăng tháng mười 1945 trên Tạp chí khoa học Thế giới không giây. Nó như một công trình dự báo về hệ thống giao lưu viễn thông  nhờ các vệ tinh định vị trên một quỹ đạo cách mặt đất 36.000 cây số theo chiều thẳng đứng.

Nhiều thập kỷ sau, tiên đoán đó đã thành sự thật. Hiện có hơn 300 vệ tinh trái đất đang hoạt động trên Quỹ đạo mang tên Clarke. Ông luôn nhấn mạnh rằng mình không phải nhà tiên tri mà là nhà ngoại suy.

Bất chấp mọi nghi ngờ, giới trẻ vẫn thích thú đọc ông và chờ đợi những dự báo của ông lần lượt thành sự thật. Ví dụ, năm 2013, hoàng tử Harry sẽ là ông hoàng thứ nhất bay lên vũ trụ. Năm 2020, trí tuệ nhân tạo sẽ bằng được trí tuệ con người.

 Từ Bình Tâm
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG