Tấn công tên lửa Syria, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Nga

Hình ảnh Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria . Ảnh: CNN.
Hình ảnh Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở miền trung Syria . Ảnh: CNN.
TPO - Với việc cho phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự ở Syria sau khi có cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện rằng ông ấy là người nói là làm, và không nhún nhường, không “đi đêm” với Nga trong vấn đề Syria.

Đó là nhận định của ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, người từng có 15 năm công tác tại Trung Đông, khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong.

Theo ông, việc Mỹ bất ngờ phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự tại Syria, có ý nghĩa như thế nào?

Ông Phạm Phú Phúc: Theo tôi, với vụ tấn công này, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện ông ấy không giống người tiền nhiệm. Ông ấy muốn thể hiện mình là người mạnh mẽ, nói là làm, muốn chứng tỏ với thế giới, trong đó có Nga, hiểu rằng ông ấy không nhún nhường, không “đi đêm” với Nga trong vấn đề Syria.

Mặc dù gần đây người ta nói rằng ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ thân tình, quan hệ Mỹ - Nga được cải thiện thì vấn đề Syria có thể được cải thiện theo. Nhưng thực tế có thể không phải như thế.

Năm 2013, Tổng thống Barack Obama khi đó suýt tấn công Syria vì chuyện sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng sau đó, với sự dàn xếp của Nga, ngòi nổ được tháo sau khi một lực lượng được đưa vào để chuyển vũ khí hóa học của Syria ra ngoài.

Nhưng mấy ngày gần đây có thông tin Tổng thống Syria Bashar-al-Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Trước đây ông Trump chê ông Obama là nhu nhược, không đánh Syria khi nước này đã vượt qua lằn đỏ. Nay ông Trump muốn khẳng định ông ấy là người mạnh mẽ, cộng thêm việc ông ấy muốn làm mất mặt ông Obama.

Tôi cho rằng quan hệ Mỹ của Mỹ với các nước ủng hộ chính quyền Assad là Iran, Nga và Trung Quốc sẽ sóng gió trong thời gian tới.

Tấn công tên lửa Syria, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Nga ảnh 1

Một em bé đang được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Idlib sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học.

Theo ông, Nga sẽ phản ứng như thế nào về vụ tấn công này của Mỹ?

Ông Phạm Phú Phúc: Nga đã được thông báo rồi, nghĩa là phần nào Mỹ coi Nga là một bên để chia sẻ, là “đồng minh” trong vấn đề Syria. Nga đã đổ rất nhiều tiền của vào Syria.

Tôi đã ở đó 5 năm trời nên tôi biết, Nga đã rất tốn kém với Syria từ mấy chục năm nay. Thế nên Nga sẽ không để yên việc này. Tôi cho rằng trong những cuộc đàm phán về Syria tới đây, Nga sẽ phải nhượng bộ.

Sau vụ này, các nước lớn sẽ phải ngồi lại với nhau, hoặc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ phải gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bàn về vấn đề Syria một cách ráo riết hơn, thực chất hơn, thay vì làm một cách câu giờ như từ trước đến nay.

Dù gì Nga vẫn sẽ cần Mỹ vì quan hệ Nga – Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực, không dễ gì mà Nga sẽ dập tắt những dấu hiệu đó để đưa hai nước quay lại thời băng giá như cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Hơn nữa, Nga gần đây cũng đã khó chịu với ông Assad.

Tấn công tên lửa Syria, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Nga ảnh 2

Các bác sĩ Syria chữa trị cho một đứa trẻ sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hôm thứ 3 tuần này.

Cuộc tấn công diễn ra vào cùng thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào?

Ông Phạm Phú Phúc: Xưa nay Nga và Trung Quốc luôn nỗ lực ngăn cản hành động quân sự của Mỹ hay Anh, Pháp nhằm vào Syria. Lần này, vụ tấn công diễn ra vào lúc ông Trump và Tập đang gặp nhau ở Florida, nên đó là một tín hiệu cho thấy đã đến lúc Mỹ không nhún nhường nữa.

Lợi ích của Trung Quốc ở Syria chủ yếu là kinh tế, còn lợi ích chính trị và quân sự không nhiều như Nga. Nên nếu phản ứng thì Nga sẽ phản ứng mạnh hơn Trung Quốc.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.