Tập trận chung Nga - Trung mở màn

Tập trận chung Nga - Trung mở màn
(TPO) Sáng nay, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự hai nước, quân đội Nga và Trung Quốc đã bắt đầu đợt tập trận chung tiêu điểm kéo dài 8 ngày tại thành phố biển Vladivostok của Nga .
Tập trận chung Nga - Trung mở màn ảnh 1

Sau khi chỉ đạo các chiến lược cấp cao cho đợt tập trận một cách ngắn gọn, ông Lương Quang Lý - Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cùng vị đồng sự người Nga, tướng Yury Baluyevski đã ra tuyên bố chung chính thức mở màn đợt tập trận vào hồi 11 giờ (theo giờ địa phương), tại căn cứ quân sự Pacific Fleet của Nga.

Với tên gọi "Điệp vụ hòa bình 2005", đợt tập trận quy tụ gần 10.000 binh lính từ quân đội, hải quân và không quân hai nước, cũng như các đơn vị không vận, tàu ngầm và hậu cần.

4 tiếng sau lễ khai mạc, giai đoạn một của cuộc diễn tập chính thức bắt đầu, khi các sĩ quan trình bày bài học chiến lược và kế hoạch chiến đấu cho các chỉ huy đơn vị của hai bên.

Trong cuộc họp báo cuối buổi sáng hôm nay, ông Lương cũng bác bỏ giả thiết cho rằng đợt tập trận chung nhắm đến một nước thứ ba nào khác. Còn tướng Baluyevski tuyên bố tập trận chung hoàn toàn không đồng nghĩa với việc 2 nước muốn lập ra khối quân sự riêng, dù dưới bất cứ hình thức nào.

Theo 2 ông, đợt thao diễn này nhắm đến mục tiêu củng cố tin cậy và tình hữu nghị song phương, cũng như hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng vũ trang 2 nước, để nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức và nguy cơ mới.

Cụ thể ở đây là giúp họ sẵn sàng trong cuộc chiến chung chống lại khủng bố quốc tế, những kẻ cực đoan tôn giáo và "ly khai" - một cụm từ khiến phương Tây nghĩ đến vấn đề Đài Loan.

Tập trận chung Nga - Trung mở màn ảnh 2
Máy bay ném bom đường dài TU-160

Một thời là cựu kình địch với quan hệ lạnh nhạt, đóng băng, sợi dây gắn kết giữa Bắc Kinh và Maxcơva ngày càng được siết chặt trong những năm gần đây, một phần là nhờ những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mua năng lượng từ Nga để cung cấp cho nền kinh tế đang bùng nổ của mình. Hiện Nga là nhà cung cấp súng đạn và công nghệ vũ khí lớn nhất của Trung Quốc.

Hai nước cũng cùng nhau tham gia các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, cùng tìm thấy quan điểm chung trong vấn đề Trung Á. Cả hai đều cố gắng đảm bảo tình hình rối loạn ở Uzbekistan và Kyrgyzstan không tràn qua biên giới, cũng như hạn chế sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

"Cả hai bên đều muốn nâng cao vị thế của mình để bước vào các cuộc thương lượng về an ninh, chính trị hay kinh tế với Mỹ" - Jin Canrong, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, nhận định.

Tháng Bảy vừa qua, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Diễn đàn an ninh khu vực bao gồm Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á - đã yêu cầu quân đội Mỹ phải đề ra thời hạn rút khỏi các căn cứ quân sự trong vùng. Trong lần tập trận này, các nước SCO cũng tham gia dưới vai trò quan sát viên.

"Chúng tôi hy vọng mọi việc họ làm không làm ảnh hưởng đến bầu không khí hiện tại trong khu vực" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố trong cuộc phỏng vấn sáng nay.

Theo lịch trình, giai đoạn hai và ba của đợt tập trận 8 ngày sẽ diễn ra ở bán đảo Shandong của Trung Quốc và khu vực biển lân cận và kết thúc vào ngày 25/8.

MỚI - NÓNG