Tàu chiến Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp, Nhật phản đối

Một tàu hộ vệ Type 054A của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.
Một tàu hộ vệ Type 054A của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.
Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc phản đối việc một tàu hộ vệ của Bắc Kinh xuất hiện ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp.

Các tàu hải quân Nhật Bản phát hiện một tàu hộ vệ Type 054A (NATO định danh Jiangkai II) 4.000 tấn của Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào 11h sáng nay, AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản Go Yamaguchi nói còn có một tàu ngầm không rõ quốc tịch vào vùng biển tiếp giáp ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vùng biển tiếp giáp là khu vực rộng 12 hải lý vượt ngoài lãnh hải. Vùng tiếp giáp lãnh hải một quốc gia không phải là vùng biển của quốc gia đó. Tuy nhiên, quốc gia này có một số quyền nhất định tại đây.

"Chúng tôi theo dõi hai tàu, phát thông điệp rằng họ đã đi vào vùng biển tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản", theo ông Yamaguchi. Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền với quần đảo.

Tàu hộ vệ Trung Quốc và tàu ngầm rời vùng biển chiều cùng ngày. Đây là lần đầu tiên vụ việc như vậy xảy ra kể từ tháng 6/2016.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama hôm nay triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Cheng Yonghua để bày tỏ quan ngại. Ông Sugiyama "đề nghị Trung Quốc không can thiệp vào dòng chảy cải thiện quan hệ Nhật - Trung".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói "các tàu Trung Quốc chỉ giám sát hoạt động của phía Nhật Bản", tái nhắc lại tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi từ năm 2012, khi Tokyo "quốc hữu hóa" một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Hai cường quốc kinh tế châu Á sau đó đã có những động thái hàn gắn quan hệ nhưng vẫn còn căng thẳng. Tàu tuần duyên Trung Quốc thường di chuyển quanh quần đảo tranh chấp.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.