Tây EU không cứu Đông EU

Tây EU không cứu Đông EU
TP - Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo khác của Liên minh Châu Âu (EU) thẳng thừng bác bỏ đề nghị chi nhiều tỷ USD của EU cho việc giải cứu nền tài chính ốm yếu của các thành viên EU phía đông Âu.
Tây EU không cứu Đông EU ảnh 1
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc  họp báo sau hội nghị các nhà lãnh đạo EU ở Brussels hôm 1/3. Ảnh: AP

Tại hội nghị các nhà lãnh đạo EU tổ chức tại Brussels (Bỉ) hôm 1/3, các nước EU ở đông Âu như Hungary, Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Slovakia, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Romania, thúc giục EU phải có biện pháp giải cứu nền tài chính đang khủng hoảng của họ.

Các nước đông Âu này còn đề nghị nhóm nước EU sử dụng đồng euro tạo điều kiện để họ sớm gia nhập khối khu vực đồng euro.

Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tạo ra một cái hố ngăn cách lớn giữa 27 thành viên EU. Theo ông, các nước EU ở đông Âu đang bị tác động tiêu cực mạnh từ cuộc khủng hoảng này.

Thủ tướng Hungary đề nghị EU dành 380 tỷ USD giúp các nước thành viên ở đông Âu lấy lại niềm tin và khôi phục kinh tế trong nước. Con số này tương đương 30 phần trăm GDP của EU năm 2008.

Eurocham, hiệp hội các doanh nghiệp EU đại diện cho 19 triệu công ty, tỏ ra bất bình vì các nhà lãnh đạo EU bàn mãi mà không đưa ra được kế hoạch kích thích kinh tế cụ thể nào cho cả EU.

Thủ tướng Ferenc Gyurcsany nói: “Chúng ta không nên tạo ra một bức tường sắt để chia cắt châu Âu”. Ông cảnh báo việc EU không giải cứu kinh tế cho các thành viên đông Âu có thể dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt nền kinh tế đông Âu.

Nếu điều đó xảy ra sẽ tác động tiêu cực lên toàn châu Âu, đặc biệt có thể gây ra bất ổn chính trị và sức ép di cư tự do. Đề nghị của nhóm EU ở đông Âu lập tức bị Đức và các thành viên ở tây Âu phản đối.

Tại hội nghị, đại biểu Đức và Hà Lan bác bỏ mọi đề nghị mở rộng thành viên sử dụng đồng euro lúc này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng khối euro có thể xem xét lại các tiêu chí kết nạp thành viên EU vào khu vực đồng euro.

Theo ông, thời gian chờ đợi hai năm như hiện nay để cho một thành viên EU gia nhập khối đồng euro là hợp lý vì hai năm thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ kết thúc.

Đức được coi là nền kinh tế lớn nhất trong khối EU, đang bị sức ép phải đi đầu trong cuộc giải cứu các thành viên EU ở đông Âu khỏi tình trạng đồng bản tệ của họ mất giá trong bối cảnh xuất khẩu giảm, nợ nước ngoài tăng.

Thủ tướng Angela Merkel kịch liệt bác bỏ các đòi hỏi của những đồng minh đông Âu, nói rằng chính sách cứu nguy tài chính cho nước này đem áp dụng cho tất cả các nước thành viên khác là không khôn ngoan.

Theo bà Merkel, không thể so sáng tình hình kinh tế ở Hungary với các nước khác. Tình hình ở các nước trung Âu không giống như ở các nước đông Âu.

Tại Hội nghị, Đức, Pháp kêu gọi EU cấp tài chính để cứu nguy cho ngành công nghiệp ôtô. Thủ tướng Merkel và Tổng thống Sarkozy cho rằng bản hướng dẫn trợ cấp của EU hiện nay là quá khắt khe, cần được sửa đổi cho cập nhật.

Ông Sarkozy hoan nghênh EU thông qua kế hoạch cả gói 8,95 tỷ USD để cứu hãng ô tô Renault và Peugeot Citroel PSA của Pháp khỏi phá sản.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc phản đối kế hoạch cứu hai hãng xe hơi của Pháp nói rằng đó thực chất là hành động bảo hộ.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.