Tên lửa đánh chặn Mỹ tới Ba Lan

Tên lửa đánh chặn Mỹ tới Ba Lan
TPO - Một đơn vị lính Mỹ cùng khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot vừa đến Ba Lan với nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội nước chủ nhà cách sử dụng hệ thống tên lửa hiện đại này.
Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ. Ảnh: Topnews
Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ. Ảnh: Topnews.

Người phát ngôn Andrew Paul của Đại sứ quán Mỹ tại Warsaw cho biết, khẩu đội tên lửa Patriot đã đến thị trấn Morag, phía đông bắc Ba Lan, cách thành phố Kaliningrad của Nga chỉ khoảng 60km.

Mặc dù tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn ngay sát biên giới nhưng Moscow vẫn chưa có bất cứ hành động phản ứng tức thời nào trước việc khẩu đội tên lửa Patriot đến căn cứ tại Ba Lan.

Tháng giêng vừa qua, khi phía Mỹ thông báo điểm đến của các tên lửa đánh chặn Patriot, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, không cần thiết phải tạo ra cảm giác như Ba Lan đang cố chống lại nước Nga.

Việc triển khai đơn vị tên lửa Patriot là điều kiện của Ba Lan trong thỏa thuận năm 2008 với Washington đổi lại việc cho phép triển khai một căn cứ tên lửa đánh chặn chiến lược tầm xa trên lãnh thổ nước này, nhằm bảo vệ Mỹ và châu Âu “trước mối đe dọa tên lửa từ Iran”.

Kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy đã được chính quyền của Tổng thống Mỹ W.Bush xúc tiến, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

Sở dĩ việc triển khai các tên lửa Patriot không gây ra sự phản ứng quyết liệt của Moscow như kế hoạch của Tổng thống Bush, bởi vì đây là hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn, không gây nguy hại trực tiếp cho lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga.

Theo người phát ngôn Andrew Paul, việc triển khai khẩu đội Patriot trên lãnh thổ Ba Lan thể hiện cam kết dài hạn Washington về triển khai các đơn vị binh lính Mỹ cùng trang thiết bị quân sự khác trên lãnh thổ quốc gia Trung Âu này.

Các tên lửa đánh chặn đã được vận chuyển bằng tàu hỏa từ căn cứ quân sự Kaiserslautern của Mỹ trên lãnh thổ Đức tới Ba Lan. Trong vòng hai năm tới, 100 đến 150 binh lính Mỹ sẽ thay nhau huấn luyện quân đội Ba Lan cách sử dụng hệ thống này.

Trong lúc đó, Ba Lan cũng thể hiện mong muốn được sở hữu thêm một cơ số tên lửa Mỹ trong tương lai nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ thỏa thuận này được ký kết.

Linh Huy
Theo AP, THX
MỚI - NÓNG