Tết ở châu Á có gì mới

Ngày Tết, người dân Hàn Quốc mặc hanbok chơi trò chơi bập bênh
Ngày Tết, người dân Hàn Quốc mặc hanbok chơi trò chơi bập bênh
TP - Tương tự người Việt, người dân nhiều nước châu Á giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống trong dịp năm mới như hướng về gia đình, tưởng nhớ tổ tiên. Tuy nhiên, làn sóng văn hóa phương Tây đang len vào ngõ ngách đời sống hằng ngày, nhiều người vẫn vất vả vì miếng cơm manh áo... khiến văn hóa Tết bị ảnh hưởng ít nhiều.
Ngày Tết, người dân Hàn Quốc mặc hanbok chơi trò chơi bập bênh
Ngày Tết, người dân Hàn Quốc mặc hanbok chơi trò chơi bập bênh . Ảnh: visitkorea.or.kr

Trung Quốc

Ở đất nước giàu truyền thống và giá trị văn hóa gia đình như Trung Quốc, một cái Tết hoàn hảo là dịp tất cả thành viên trong gia đình tạm ngưng công việc, cùng quây quần bên bàn ăn cổ truyền trong thời điểm năm cũ qua đi, năm mới vừa tới. Nhưng Tết ngày nay cũng phản ánh những xung đột trong chính nền văn hóa nước này khi tư tưởng truyền thống và thực tế hiện tại đang chưa dung hòa.

Theo truyền thống, dịp năm mới ở Trung Quốc kéo dài 15 ngày, kèm theo nhiều hoạt động mang ý nghĩa biểu tượng. Nhưng trong những năm gần đây, các hoạt động truyền thống đang dần nhạt màu vì quan điểm hiện đại về cuộc sống cùng những đòi hỏi của công việc bộn bề.

Thời gian ngày càng trở nên quý giá đối với những người trẻ phải cuốn mình theo dòng chảy của công việc để giữ kế mưu sinh. Ngược lại, giới thượng lưu Trung Quốc có đời sống cao ngày càng tích cực tham gia hội hè đình đám, nên hình ảnh ông bà già và con trẻ được thuê người chăm sóc trong dịp Tết ngày càng phổ biến.

Theo quy định, năm mới là dịp toàn dân được nghỉ, và họ được nghỉ bù nếu ngày nghỉ rơi vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, thực tế ở các đô thị Trung Quốc hiện nay không như vậy. Nhiều người đang độ tuổi lao động thậm chí không được nghỉ ngày nào, và những công ty thuê họ làm việc ép họ nghỉ bù vào dịp sau năm mới, khi hầu hết mọi người đã trở lại làm việc.

Nhiều người cho rằng, Trung Quốc là ác mộng với công nhân làm việc tại xưởng sản xuất, nhưng sự thật là giới văn phòng còn chịu áp lực công việc khủng khiếp hơn vì tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, và cơ hội giữ được công việc ổn định lâu dài là rất mong manh, nên họ thường phải chấp nhận quy định của công ty đưa ra. Nhiều người phải ngậm ngùi đi làm, trong khi gia đình, bạn bè sum vầy và đi chúc tết nhau.

Đối với các hộ nông thôn, năm mới không chỉ là thời gian cho gia đình ở xa đoàn tụ, nhìn lại năm cũ và dự tính cho tương lai, mà đó còn là lúc họ phải tính xem sẽ làm gì để kiếm tiền sau khi nghỉ Tết.

Tết là thời điểm thị trường lao động Trung Quốc biến động lớn nhất vì đây là lúc hàng chục triệu lao động trở về từ thành phố, nhưng nhiều người trong số họ bị mất việc do nhà máy gặp khó khăn hoặc phá sản. Nếu không tìm được việc khác trong năm mới, nhiều người chấp nhận quay lại làm nông nghiệp.

“Tôi biết sẽ rất khó tìm lại việc sau kỳ nghỉ tết vì ngày càng có nhiều người muốn kiếm việc làm nhưng ít nhà máy mới mở ra. Tôi sẽ làm bất kỳ việc gì, kể cả việc nhỏ nhất. Trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ trở về làm nông để kiếm miếng ăn”, Zhai Yuanhui, một nông dân ở tỉnh Hà Nam, nói.

Nhưng không chỉ công nhân làm việc tại các nhà máy có công việc bấp bênh. Đối với doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, Tết cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong công việc làm ăn. Liu Pingan, chủ một doanh nghiệp nhỏ chế biến đồ cũ ZhongLian ở ngoại ô Bắc Kinh, nói tết năm nay ông cũng sẽ phải nói với các nhân viên rằng họ không cần quay lại làm việc vì khó khăn luôn khiến các doanh nghiệp nhỏ như ZhongLian chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của phương tiện giao thông, liên lạc giúp tết Trung Quốc ngày càng lan ra nhiều nước khác. Cũng giống ngày lễ tình yêu Valentine có nguồn gốc từ châu Âu ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, lễ mừng năm mới theo cách của người Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ở nước ngoài.

Người Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập ngày càng nhiều và mang theo nền văn hóa của mình. Đó là một lý do khiến tết Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút cả những người nước ngoài.

Nhật Bản

Giống nhiều nước trên thế giới, người Nhật coi năm mới là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Là quốc gia châu Á, nên trước kia Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch như Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng từ thời cải cách Minh Trị năm 1868, nước này đón Tết theo Dương lịch như phương Tây.

Đánh trống mừng năm mới ở Nhật Bản
Đánh trống mừng năm mới ở Nhật Bản . Ảnh: Tanakawho

Lễ đón Năm mới (Oshogatsu) của người Nhật kéo dài từ ngày 31-12 đến 3-1, nhưng thường từ ngày 20-12, không khí chào đón năm mới và Noel đã tưng bừng, nhộn nhịp và kéo dài đến hết 15 -1 - ngày tổ chức Lễ trưởng thành cho nam nữ thanh niên tròn 20 tuổi.

Ở một số vùng nông thôn Nhật Bản, người dân vẫn chào đón năm mới theo Âm lịch. Trong đêm giao thừa (Omisoka), các gia đình chờ nghe 108 tiếng chuông để chào đón Thần Năm mới (Toshigami) và nhiều người thường thức tới sáng hôm sau để đón chào ngày đầu tiên của năm mới.

Trước kia Nhật Bản đón năm mới theo Âm lịch như Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng nay họ ăn Tết theo Dương lịch như phương Tây. Hàn Quốc ăn Tết Âm lịch lẫn Dương lịch

Đời sống kinh tế - xã hội của người dân ngày càng cao, dẫn đến nhu cầu vui chơi giải trí và hưởng thụ cũng phát triển theo. Người Nhật cũng đang nhanh chóng đón nhận làn sóng văn hóa phương Tây. Việc vui đón Noel và Năm mới của người dân là một trong những biểu hiện của sự giao thoa văn hóa đó.

Ngoài ra, nam nữ thanh niên Nhật Bản ngày nay thường diện những trang phục hiện đại, phá cách, với kiểu tóc, trang điểm đa dạng chưa từng thấy trước đây trong dịp tết đến xuân về.

Cũng như người Việt, người Nhật thường đi lễ đền, chùa trong dịp năm mới để cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn, hạnh phúc cho năm tới. Trước đây, họ thường đi đền, chùa vào đêm giao thừa, nhưng nay người ta có thể đi trong 3 ngày đầu năm.

Trước đây, điều kiện đi lại còn hạn chế nên người Nhật thường đến đền, chùa gần nhà, nhưng nay họ hay đến những nơi nổi tiếng, dù ở xa. Đền Meiji ở Tokyo, đền Tsurugaoka Hachiman ở Kamakura và đền Yasaka ở Kyoto là những nơi thu hút nhiều người tới thăm trong dịp năm mới nhất, có khi một đền thu hút tới hơn 3 triệu người chỉ trong vòng 3 ngày Tết.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, Solnal là ngày đầu tiên của năm. Tuy không ít người dân nước này chào đón năm mới theo Dương lịch, Tết Âm lịch vẫn còn phổ biến. Một số cộng đồng còn ăn Tết hai lần. Tết năm mới ở Hàn Quốc diễn ra vào khoảng thời gian cùng với Tết truyền thống ở các nước Đông Á. Năm mới ở Hàn Quốc gắn liền với sự sum họp gia đình.

Người Hàn mặc trang phục truyền thống hanbok nhiều màu sắc và thực hiện những nghi lễ có từ thời xa xưa. Họ cũng có phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm như người Trung Quốc và Việt Nam. Món ăn không thể thiếu trong lễ mừng năm mới của người Hàn là tteok guk (canh bánh gạo).

Trò chơi dân gian dành cho nam giới là thả diều hoặc jaegi chagi, cho phụ nữ là trò nurtwigi (bập bênh), còn trẻ em thường nô đùa với những con quay.

Sự phân chia nam - bắc dẫn đến một số khác biệt trong nền văn hóa hai miền Triều Tiên, nhưng nhìn chung người dân Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn giữ được đặc điểm truyền thống từ nhiều đời nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền văn hóa phương Tây đang ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước trên thế giới và nhịp sống tất bật của cuộc sống hiện đại. Tết vẫn là dịp mọi người hướng về gia đình, tổ tiên cũng như ôn lại nhiều nghi lễ, trò chơi, món ăn đậm bản sắc văn hóa.

Thái An
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG