Thách thức đối với xã hội đa văn hóa và lòng bao dung

Thách thức đối với xã hội đa văn hóa và lòng bao dung
Vụ Theo van Gogh - cháu họ bốn đời của danh họa Vincent Van Gogh bị giết chết một cách dã man ngay giữa đường phố Amsterdam vì tội "báng bổ đạo hồi" đã đặt ra những thách thức đối với xã hội đa văn hóa ở Hà Lan

Sáng sớm ngày 2 tháng 12 năm 2004, một người đàn ông to béo đạp xe thong thả trên đường phố Amsterdam, thủ đô Hà lan đến nơi làm việc. Bỗng tiếng súng ngắn vang lên. Người đàn ông ngã ra khỏi xe.

Một bóng đen nhảy chồm đến, cắt cổ ông. Rồi cắm phập một con dao lên ngực… Bóng đen vội vàng tẩu thoát. Cảnh sát vọt theo và mấy phút sau thì bắt được…

Dân chúng chạy lại chỗ người bị hại. Hóa ra đó là nhà điện ảnh kiêm nhà báo Theo van Gogh, 47 tuổi, cháu họ bốn đời của danh họa Vincent Van Gogh (1853 – 1890).

Mấy phụ nữ rú lên khi nhìn thấy cảnh tượng máu me hãi hùng. Mấy người đàn ông thì run bắn, khi đọc trộm được tờ giấy treo ở cán con dao nhọn.

Kẻ sát nhân kết tội Theo van Gogh xúc phạm đạo Hồi, cho biết sẽ trừng phạt tiếp mấy nhân vật nữa ở Hà lan, rồi nếu cần, sẽ chết như một tín đồ tử vì đạo trong cuộc Thánh chiến…

Lẽ dĩ nhiên, xứ sở hoa tulipe cũng không nằm ngoài cơn chấn động bất ngờ và dữ dội từ vụ khủng bố 11/9/2001 tại Hoa kỳ. Có điều, đất nước này lại là quốc gia đầu tiên coi việc kết hôn của các cặp đồng tính luyến ái là hợp pháp, cũng như việc hộ tử (“hộ tử” là thuật ngữ tiếng Việt của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện cho euthanasie hay euthanasia), việc vẫn còn gây tranh cãi ở ngay một số siêu cường như Mỹ chẳng hạn.

Hà Lan ghi dấu ấn tôn giáo rất đậm, cho nên có vẻ dễ dàng tiếp nhận dân di cư từ các nước khác. Những đợt nhập cư mạnh mẽ nhất là vào những năm 1960, chủ yếu từ Maroc và Thổ nhĩ kỳ.

Đến nay, tính riêng tín đồ đạo Hồi, con số đã là trên  một triệu người, chiếm 5,5% dân số Hà Lan khoảng 15 triệu người (ở Pháp là 8%). Nhà thờ Hồi giáo lên đến 450 ngôi. Trường cấp I dành cho trẻ em tôn giáo này là 40, tính đến cuối năm 2003.

Chính quyền Hà Lan chủ trương thiết lập một xã hội dựa vào nhiều trụ, ví dụ trụ Thiên chúa giáo, trụ Tin lành, trụ xã - hội -dân - chủ, trụ trung lập… rồi trụ đạo Hồi. Đặc biệt, nhân dân Hà Lan ủng hộ việc xây dựng đất nước mình thành một đất nước đa văn hoá.

Họ rất tự hào về những thành tựu bước đầu của quá trình này, quá trình được tiến hành trên nền tảng vững chắc là lòng bao dung được truyền lại từ ngàn xưa.

Theo van Gogh cũng tự hào và tin tưởng vào sự nghiệp có thể nói là tốt đẹp và có tính mở đường ấy. Ông nhiệt huyết và trung thực, rất được hâm mộ và tán thưởng qua hàng loạt bài xã luận sắc sảo, qua những buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình, qua những bộ phim nhạy bén tính thời sự.

Sau ngày 11/9/2001, vấn đề Hồi giáo cực đoan tất nhiên được đặt ra. Song le, ngay từ đầu những năm 1980, dựa vào những kết quả đáng phấn khởi của mô hình đa văn hoá, các nhà trí thức Hà lan đã mở cửa cho việc khai thác về chính trị vấn đề nhập cư và hiến kế cho chính phủ những ý tưởng rõ ràng.

Một ví dụ là Hà Lan cho phép các gia đình nhập cư được sum họp trên lãnh thổ của mình. Những chuyện ấy, Theo van Gogh không thể không biết. Vì vậy, ông hồ hởi và tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống quá khích, bảo vệ vẻ đẹp của đạo Hồi.

Một trong những cuộc đấu tranh sôi nổi nhất lúc bấy giờ năm 2002, là “giải phóng phụ nữ Hồi giáo khỏi những hà khắc của Hồi giáo cực đoan”. Cuộc đấu tranh này do nữ nghị sỹ gốc Somalie Ayaan Hirsi Ali chủ trương và lãnh đạo.

Bà viết cho Theo van Gogh một kịch bản và ông đã dựng thành phim tài liệu truyền hình Phục tùng, trong đó nạn bạo hành đối với phụ nữ đạo Hồi bị phơi bày và lên án. Rất nhiều khán giả đã phẫn uất la lên khi nhìn thấy thân thể trần truồng của một phụ nữ bị ngược đãi, trên đó xăm những đoạn kinh Coran.

Sau khi bộ phim được phát sóng, Theo van Gogh nhận được nhiều lời hăm dọa. Ông báo cảnh sát, và được bảo vệ ở nhà và ở mọi nơi một thời gian. Song do vẫn không có bằng cứ cụ thể về sự đe dọa, cảnh sát không canh giữ nhà ông nữa, cũng như không cho người đi kèm. Và chuyện đau lòng đã xảy ra.

Như vậy, cả cảnh sát cũng rơi vào bẫy của tội phạm. Còn Theo van Gogh, có thể ông chủ quan, quá tin vào uy tín ngày một cao của mình trong đồng nghiệp và người dân. Ông quên mất rằng, ngày  6/5 cùng năm 2002, lãnh tụ cánh hữu bình dân Rim Fortuyn bị một người không phải tín đồ đạo Hồi ám sát, vì đã “dám công khai phản đối việc Hồi giáo hóa xã hội”. Ông vừa hoàn thành bộ phim về sự kiện này, định cho công chiếu vào cuối năm 2004.

Thách thức đối với xã hội đa văn hóa và lòng bao dung ảnh 1

Vụ ám sát vừa được thông báo, nhiều nhân vật chính trị đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ. Quốc hội họp khẩn cấp, bộ trưởng Tư pháp tố cáo tội ác man rợ. Thị trưởng Amsterdam thì họp báo, đề nghị mọi người bộc lộ phản ứng vào buổi tối cùng ngày.

“Hôm nay là một ngày buồn thảm đối với tự do ngôn luận, hòn đá tảng của dân chủ”. “Tự do ngôn luận là một trong những nền móng của xã hội chúng ta. Song hôm nay, nó bị rung chuyển”. Trong đó, nổi lên lời của một trong những đại diện của cộng đồng Hồi giáo Hà Lan: “Những ý kiến của ông ấy (Theo van Gogh) về đạo Hồi dễ gây khó chịu và mất lòng… Nhưng không gì biện minh được cho vụ giết người”.

Đáp lại yêu cầu của thị trưởng Amsterdam, tối 2/12/2004, khoảng 20.000 người đã kéo về trung tâm thành phố, chuông nhà thờ vang lên mọi nơi, người đủ mọi lứa tuổi đều mang theo đuốc cháy rực để phản đối sự vi phạm tự do ngôn luận.

Vụ án mạng dẫn đến những đòn trả đũa qua lại trong hai tháng liền, các nhà thờ và trường học Hồi giáo, cũng như những nơi tụ tập của Đạo thiên chúa bị đốt cháy, may không có người thiệt mạng.

Trong hai ngày 11 và 12 tháng 7 vừa rồi, phiên toà xét xử kẻ giết Theo van Gogh đã được mở ở Amsterdam. Công chúng theo dõi rất đông. Gia đình nạn nhân, trong đó có bà mẹ già, rất bức xúc. Phát biểu tại tòa, bà nhiều lần nghẹn ngào vì quá xúc động… Tội phạm còn khá trẻ, 27 tuổi tên là Mohammed Bouyeri, quốc tịch kép Marốc – Hà Lan.

Gia đình y đến Hà Lan vào những năm 1960. Học giỏi, nhưng không biết đùa, dễ nổi nóng, y thường cô độc, do cha mẹ chia tay. Y tốt nghiệp đại học kỹ thuật, bị tù vì ẩu đả ngoài phố. Trong tù, y được một phạm nhân Hồi giáo cực đoan truyền thụ lý tưởng của “giáo phái” này.

Ra tù, y biết em gái mình đã phải làm điếm. Sau vụ 11/9/2001, y liên hệ với nhiều phần tử đạo Hồi cực đoan. Khám nhà y, cảnh sát phát hiện nhiều cuộn băng ghi ảnh các tổ chức Hồi giáo quá khích đang làm nhục hay hành quyết con tin.

Đáng giật mình là một “Thư ngỏ gửi nhân dân Hà Lan”, trong đó, y viết: “Các vị sẽ phải trả bằng máu mình cho cái chết và sự bị đày đoạ của anh chị em đạo Hồi chúng tôi. Khắp nơi, các vị là đích tấn công của chúng tôi, trên xe khách, trong tầu điện ngầm, ở các trung tâm thương mại…”

Y tỏ ra lì lợm, không trả lời các quan toà, không cần được bảo vệ, không nói về bất cứ chuyện gì. Ngay khi bị tuyên án chung thân, án phạt cao nhất ở Hà Lan, ngày 26/7 vừa qua, y cũng không có vẻ gì bận tâm.

Đáng chú ý, vẻ ngang tàng của y còn tăng thêm, nhờ chiếc mũ trùm đen trắng kiểu Palestine, bộ quần áo mầu xám ấn tượng và một kinh Coran ôm trước ngực. Hiện tại, một số học sinh đạo hồi Hà lan suy tôn y là anh hùng!

Dù tổ chức khủng bố ở Hà Lan Holstad (gồm 20 thành viên) mà y tham gia, gần như đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn, dân chúng Hà lan vẫn nơm nớp những cuộc tấn công tương tự như ở Tây ban nha hay Vương quốc Anh.

Những mục tiêu ám sát tiếp theo của tổ chức ấy đã được phát hiện. Đó là nữ nghị sỹ Ayaan Hirsi Ali , Jozias van aarsten, chủ tịch Đảng Bảo thủ và Johan Remkes, bộ trưởng Nội vụ.

Dù muốn dù không, nhà cầm quyền Hà Lan cũng phải thắt chặt thể thức nhập cư. Bộ trưởng Hội nhập đã đề xuất mấy biện pháp: trục xuất ba thủ lĩnh Hồi giáo quá cực đoan, bãi bỏ quốc tịch kép đối với trẻ em gốc Marốc sinh tại Hà Lan, quy định một cuộc sát hạch ngôn ngữ và văn hoá Hà Lan cho những người Marốc muốn có quốc tịch nước này… Rồi tăng cường tiếp xúc giữa trẻ em bản địa và trẻ em nhập cư hay gốc nhập cư…

Lòng bao dung vậy là cũng bị hạn chế? Thuật ngữ “đa văn hóa” và công cuộc xây dựng một quốc gia đa văn hóa phá sản rồi chăng? Không, Quốc hội Hà Lan khẳng định rằng lý tưởng ấy vẫn bảo tồn những di sản đẹp đẽ…

MỚI - NÓNG