Thái Lan: Chính trường lại chao đảo?

Thái Lan: Chính trường lại chao đảo?
TP - Sáng 28/2, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 9/2006, trở về Thái Lan sau 17 tháng sống ở nước ngoài. An ninh tại Bangkok được thắt chặt với lo ngại đối đầu căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ và phản đối ông.

Hàng ngàn người ủng hộ - nhiều người nhảy múa, đánh trống, ca hát – tụ tập bên ngoài sân bay quốc tế Suvarnabhumi để chào mừng ông Thaksin trở về nước trên chuyến bay xuất phát từ Hong Kong.

Dân nghèo thành thị và hầu hết người dân ở vùng nông thôn đã được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế, xã hội dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cách đó không xa cũng có không ít người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên tụ tập bày tỏ sự phản đối rằng việc ông Thaksin trở về có thể gây bất ổn hơn nữa cho Thái Lan.

Sau những giây phút đầy xúc cảm, cựu Thủ tướng bị cảnh sát áp giải tới Toà án Tối cao Thái Lan vì bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Bà Pojaman, vợ ông Thaksin, đã trở về Thái Lan từ trước để chống lại các cáo buộc tương tự. Cựu Thủ tướng được trả tự do ngay sau đó với khoản tiền bảo lãnh 267.000 USD.

Ông Thaksin còn nộp 33.500 USD tiền bảo lãnh cho Văn phòng Tổng chưởng lý vì những cáo buộc khác. Theo lịch trình, toà sẽ bắt đầu xét xử ông Thaksin vào ngày 12/3 và tuyên án ngày 3/4. Nếu bị kết tội, ông Thaksin có thể lĩnh mức án 15 năm tù.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng luôn khẳng định mình vô tội và cho rằng những cáo buộc trên có động cơ chính trị sau cuộc đảo chính.

“Tôi trở về để chứng minh mình vô tội, khôi phục lại danh tiếng đã bị bôi nhọ”, cựu Thủ tướng khẳng định tại cuộc gặp gỡ với báo chí trong khách sạn The Peninsula (Bangkok), nơi ông sẽ nghỉ lại.

Trong gần 10 phút tiếp xúc với báo chí cùng với vợ và ba người con, cựu Thủ tướng Thaksin không trả lời câu hỏi nào mà chỉ tập trung nói rõ hơn về mục đích của việc trở về.

Ông nói: “Tôi sẽ không trở lại chính trường. Tôi đã 59 tuổi rồi, vì vậy tôi chỉ muốn sống quãng đời còn lại cùng với gia đình và đất nước của tôi. Tôi sẽ chết trên đất Thái. Tôi là người Thái. Không nơi nào trên thế giới mà tôi và gia đình có thể sống hạnh phúc như ở Thái Lan”.

Cựu Thủ tướng cũng nói lời xin lỗi vì đã để đất nước rơi vào tình cảnh bất ổn.

Bất chấp những cam kết của cựu Thủ tướng Thaksin, những người chỉ trích không tin rằng ông sẽ đứng ngoài chính trường Thái Lan sau khi lực lượng ủng hộ mình giành quyền kiểm soát Quốc hội và đã đứng ra thành lập Chính phủ liên minh.

Ngày 15/2, Tư lệnh lực lượng không quân Thái Lan Chalit Pukphasuk, một trong những chỉ huy quân đội đã tiến hành cuộc đảo chính, từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố ông Thaksin có thể trở lại chính trường nếu thoát được những cáo buộc chống lại mình.

Toà án Hiến pháp đã ra phán quyết cấm ông Thaksin và 111 lãnh đạo khác thuộc đảng TRT hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee cho biết Chính phủ không thể bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thaksin vào bất kỳ vị trí chính thức nào, nhưng sẽ đề nghị ông làm cố vấn cho các vấn đề kinh tế.

Theo ông Surapong, việc ông Thaksin, người trở thành tỷ phú nhờ tài kinh doanh, làm cố vấn kinh tế sẽ có lợi cho đất nước và không vi phạm Hiến pháp vì đây không phải là một chức vụ chính thức.

T.Đ
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.