Thái Lan: Phe biểu tình chấp nhận đàm phán

Thái Lan: Phe biểu tình chấp nhận đàm phán
TP - Ngày 27/2, Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố chấp nhận đàm phán chấm dứt khủng hoảng chính trị, nếu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đồng ý tranh luận trực tiếp tay đôi với ông trên kênh truyền hình quốc gia.

Ông Suthep còn đặt nhiều điều kiện khác, bao gồm vấn đề không xem xét ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Từ thành phố Chiang Mai, bà Yingluck nói muốn thương lượng để chấm dứt xung đột, chứ không hào hứng với đề xuất tranh luận trên truyền hình. Chính phủ muốn đàm phán, nhưng phe biểu tình phải ngừng cản trở bầu cử và các trình tự hiến pháp khác.

Những người ủng hộ bà Yingluck mới đây bao vây trụ sở của Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan, nhằm ngăn cơ quan này tiến hành phiên điều trần về trách nhiệm của bà trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân, AP đưa tin ngày 27/2.

Tin rằng Ủy ban Chống tham nhũng đang tiến hành luận tội Thủ tướng Yingluck, lực lượng “áo đỏ” kéo tới dựng chướng ngại vật, chặn lối vào trụ sở cơ quan này.

Những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck kêu gọi phe “áo đỏ” học theo chiến thuật “đóng cửa Bangkok” của chính đối thủ: phong tỏa các tuyến đường trọng yếu và các cơ quan của chính phủ.

Lực lượng “áo đỏ” hậu thuẫn chính phủ giữ thái độ kiềm chế trong suốt mấy tháng phe “áo vàng” đối lập biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, khi nội các của bà Yingluck đứng trước nguy cơ bị lật đổ, phe “áo đỏ” tuyên bố sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu cần.

Bà Yingluck có thể đối mặt sự luận tội của Thượng viện Thái Lan hoặc bị quy trách nhiệm hình sự nếu Ủy ban Chống tham nhũng ra phán quyết chống lại bà.

Nữ Thủ tướng đang ở Chiang Mai thuộc vùng đông bắc Thái Lan - căn cứ địa chính trị vững chắc của gia đình Thaksin và đảng Pheu Thai. Bà Yingluck chỉ cử một đại diện tới nghe luận tội và sẽ có 15 ngày để trả lời mọi cáo buộc chống lại mình.

Tình hình tại Bangkok gần đây đột ngột xấu đi với các vụ tấn công bằng súng và lựu đạn gần như xảy ra hằng ngày. Vụ đụng độ mới nhất giữa cảnh sát và phe biểu tình đối lập khiến 22 người chết và hàng trăm người bị thương.

Cái chết của 4 đứa trẻ cuối tuần trước đã gây ra một cú sốc trong dư luận. Người biểu tình chống chính phủ mặc đồ đen tụ tập ngoài Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Thái Lan đòi công lý cho các nạn nhân trong các vụ tấn công.

Báo Thái Lan Bangkok Post hôm 27/2 đưa tin, tối 26/2, ba quả đạn từ súng phóng lựu M79 nã vào Đài truyền hình Thai PBS và gần Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự tại quận Laksi ở Bangkok, nhưng không gây thương vong.

Cũng trong tối 26/2, một loạt điểm biểu tình ở quận Pathumwan, Ratchaprasong và Chaeng Watthana bị tấn công bằng súng và lựu đạn. Nhưng đây là lần đầu tiên công sở nhà nước trở thành mục tiêu tấn công.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại, đồng thời lên án bạo lực leo thang gần đây tại Thái Lan. Ông Ban hối thúc các bên sớm đối thoại để chấm dứt khủng hoảng và tiến hành cải cách.

Theo Theo APBangkok Post
MỚI - NÓNG