Thái Lan: Phe đảo chính có thể bị điều tra

Thái Lan: Phe đảo chính có thể bị điều tra
TP - Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết, các sĩ quan quân đội có quan hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra muốn thành lập ủy ban điều tra cáo buộc cho rằng, Hội đồng An ninh Quốc gia (CNS) đã lạm dụng ngân sách quân sự.

CNS là cơ quan được tạo ra sau cuộc đảo chính tháng 9/2006 và nay đã bị giải thể.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi nhóm Tiếng nói chống đảo chính Thứ Bảy kêu gọi mở cuộc điều tra về việc những người thực hiện cuộc đảo chính tiêu tiền không đúng quy định trong sự kiện lật đổ Chính phủ của ông Thaksin.

Nguồn tin cũng nói rằng, động thái trên nhằm đáp trả việc những người thực hiện cuộc đảo chính đã thành lập Ủy ban Kiểm tra tài sản quốc gia (ASC) chuyên điều tra các cáo buộc tham nhũng nhằm vào chính quyền trước đây của ông Thaksin.

Văn phòng Thủ tướng đã gửi 1 bản copy đơn kiện của nhóm chống đảo chính tới Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Samak Sundaravej, yêu cầu ông xem xét và có hành động chống lại những người thực hiện cuộc đảo chính. Nguồn tin cho biết, đơn kiện được gửi tới Văn phòng Thủ tướng ngày 4/3.

Theo nguồn tin, đề nghị thành lập ủy ban điều tra được đưa ra giữa lúc đang gia tăng những cáo buộc rằng tướng Winai Phattiyakul, cựu Tổng thư ký CNS và tướng Somjet Boonthanom, Giám đốc Cục Ngân sách quốc phòng, đã sử dụng ngân sách quân sự để tài trợ cho các hoạt động chính trị.

Cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin do tướng Sonthi Boonyrakalin đứng đầu. Tướng Sonthi đã về hưu vào tháng 9/2007 và một thời gian ngắn từng làm Phó Thủ tướng trong Chính phủ quân sự hậu đảo chính. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, mọi việc còn lại chờ vào quyết định của Thủ tướng Samak.

Gần đây, nhóm Tiếng nói chống đảo chính Thứ Bảy ra tuyên bố rằng cuộc đảo chính gây chia rẽ trong xã hội, gây thiệt hại lớn về tài chính của đất nước. Nhóm chống đảo chính cáo buộc các thành viên CNS đã viện cớ vì lợi ích chung của quốc gia để thu vén cá nhân.

Nhóm chống đảo chính còn cáo buộc CNS đã tuyên bố không đúng sự thật về việc có 20.000 lính tham gia cuộc đảo chính.

Theo nhóm chống đảo chính, chỉ có khoảng 4.000 lính liên quan đến cuộc đảo chính.

Nhóm chống đảo chính cho rằng, binh lính tham gia đảo chính đã vi phạm luật pháp nên không được nhận bất kỳ khoản tiền nào và yêu cầu điều tra xem mỗi người đã được trả bao nhiêu tiền.

Nhóm cũng đặt câu hỏi về việc liệu CNS có thực sự tiêu 2 tỷ baht tiền ngân sách vào việc đảm bảo an ninh ở 3 tỉnh miền Nam.

Theo nhóm này, khi CNS còn tồn tại, tình hình an ninh ở 3 tỉnh miền Nam tồi tệ hơn và các thành viên CNS chỉ tới khu vực này vài lần.

Nhóm chống đảo chính còn cho biết thêm, hơn 10 tỷ baht trong ngân sách bí mật đã được tiêu sau cuộc đảo chính so với chỉ 300 triệu baht dành cho cuộc tổng tuyển cử. 

T.Đ
Theo Bangkok Post

MỚI - NÓNG