Thái Lan: Phe đối lập phát động 'trận chiến cuối cùng'

Phe đối lập xuống đường hôm 9/5.
Phe đối lập xuống đường hôm 9/5.
TP - Chưa hài lòng với việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất, hàng ngàn người phe đối lập ngày 9/5 phát động “trận chiến cuối cùng” chống chính phủ. Đoàn biểu tình kéo tới trụ sở chính phủ tại Bangkok, vốn tê liệt hàng tháng nay do phong trào biểu tình.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Chúng ta sẽ giành lại quyền lực tối cao và thành lập một chính phủ của nhân dân. Chúng ta sẽ tuần hành đến tất cả các đài truyền hình, yêu cầu dân chúng ngăn chặn phương tiện và bao vây tổng hành dinh cơ quan cảnh sát để ngăn họ gây hại cho chúng ta”. 

Trụ sở của nhiều đài truyền hình bị vây hãm; phe biểu tình chống chính phủ yêu cầu họ “hợp tác”, nhằm không phát những thông tin có lợi cho chính phủ. Cảnh sát Thái Lan đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông, trong khi dư luận lo ngại làn sóng bạo lực mới sẽ bùng phát khi phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ thông báo sẽ tổ chức biểu tình lớn ngày 10/5 tại Bangkok.

Cuộc chiến trên chính trường Thái Lan ở thế giằng co trong nhiều tháng cho tới ngày 7/5, khi Thủ tướng Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan phế truất vì tội lạm quyền. Bà Yingluck còn bị cáo buộc lơ là nhiệm vụ trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Bà đối mặt nguy cơ bị Thượng viện Thái Lan luận tội và trừng phạt. Nếu bị Ủy ban Chống tham nhũng kết tội, bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị 5 năm.

Việc phế truất bà Yingluck cùng 9 bộ trưởng khiến chính phủ thuộc đảng Pheu Thai yếu đi, song vẫn điều hành đất nước Thái Lan với khoảng 20 thành viên nội các không bị bãi chức. Với phe đối lập chống chính phủ, cuộc “đảo chính tư pháp” đó chỉ mới đạt một phần mục tiêu. Họ yêu cầu toàn bộ chính phủ tạm quyền hiện thời phải bị thải hồi trong thời hạn 3 ngày. “Nếu chúng ta không thể làm được điều đó một cách nhẹ nhàng trong 3 ngày, khi ấy nhân dân sẽ ra tay theo cách của mình”, ông Suthep đe dọa.

Lực lượng biểu tình đối lập đã tính toán để hành động đúng thời điểm chính phủ lâm thời suy yếu. Phe này cũng từ chối tham gia cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 20/7 và nhắc lại yêu sách muốn thành lập một “hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử, có trách nhiệm cải cách hệ thống chính trị Thái Lan. Theo họ, hệ thống hiện nay đã bị hủy hoại bởi nạn tham nhũng trong những năm chính phủ thân gia đình Shinawatra cầm quyền.

Báo Le Monde (Pháp) cho rằng, việc hoãn vô thời hạn tổng tuyển cử Thái Lan cùng những lời công khai chỉ trích nền dân chủ khiến Washington lo ngại. Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc tổng tuyển cử, trong khi Quốc hội Thái Lan đã bị giải tán từ nhiều tháng trước.

Theo Theo Le Monde
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.