Thái Lan trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp

Thái Lan trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp
TP - Dư luận Thái Lan đặc biệt quan tâm tới cuộc trưng cầu dân ý bản dự thảo hiến pháp mới diễn ra ngày hôm nay (19/8).
Thái Lan trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp ảnh 1
Người biểu tình đốt dự thảo hiến pháp để phản đối

Hầu hết các nhà quan sát cho rằng dự thảo hiến pháp sẽ được thông qua khi người dân đã trải qua 11 tháng sống dưới chính quyền quân sự kể từ cuộc binh biến lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cử tri Thái Lan hi vọng, việc bản dự thảo hiến pháp được thông qua sẽ nhanh chóng đưa nước này trở lại với chính quyền dân sự và chấm dứt tình hình mất ổn định trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, cũng không ít người bày tỏ thất vọng vì nội dung bản dự thảo hiến pháp hạn chế quyền lực của Thủ tướng, củng cố vai trò của quân đội.

Dự thảo hiến pháp giới hạn thời gian tại vị của Thủ tướng trong vòng 8 năm, cho phép tạo điều kiện dễ dàng hơn đối với các quy trình luận tội Thủ tướng, cấm Thủ tướng nắm giữ những phần quan trọng trong các Cty tư nhân, đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí truyền thông…

Phe chống đảo chính đã phát động nhiều cuộc biểu tình trong những tuần qua để phản đối bản dự thảo hiến pháp. Một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, bạo lực đã nổ ra tại các điểm bỏ phiếu ở miền Nam.

Trong khi đó, chính quyền Thái Lan cũng tiến hành chiến dịch vận động người dân tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

Chính phủ tạm quyền còn phái các đơn vị tình báo, tâm lý chiến đi khắp nước nhằm ngăn chặn những hành động cản trở, chống đối và đảm bảo hầu hết người dân tham gia bỏ phiếu.

Trong trường hợp dự thảo hiến pháp không được thông qua, các tướng lĩnh quân đội chỉ việc lựa chọn một trong số 17 hiến pháp trước đây của Thái Lan và sửa chữa cho phù hợp. Theo một số nhà phân tích, nếu điều này xảy ra sẽ khiến nhiều người tức giận và tình hình Thái Lan tiếp tục mất ổn định.

Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Noppadon Pattama vừa cho biết cựu Thủ tướng Thaksin đã thuê các luật sư ở Anh để chống lại việc mình có thể bị dẫn độ về Thái Lan.

Theo ông Pattama, các luật sư ở Anh đang chuẩn bị tài liệu, bằng chứng chuẩn bị trình lên tòa án nước này để chứng tỏ rằng mọi thứ chống lại cựu Thủ tướng Thaksin - từ cáo buộc tham nhũng, phong tỏa tài sản tới việc giải tán đảng TRT -đều có màu sắc chính trị.

Phát ngôn viên Pattama mong rằng các thủ tục dẫn độ có thể kéo dài ít nhất 1 năm kể từ khi Bộ Ngoại giao Anh nhận được yêu cầu chính thức từ Bangkok.

Ông Thaksin, người hiện sống ở London cùng vợ và con, khẳng định sẽ không trở về Thái Lan để chống lại các cáo buộc tại tòa án cho đến khi quân đội vẫn nắm quyền.

Các luật sư sẽ sử dụng bài diễn văn của Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, tướng Sonthi Boonyarakalin, để chống lại việc dẫn độ. Trong bài diễn văn này, tướng Sonthi đề cập đến kế hoạch 4 điểm, trong đó có việc giải tán đảng TRT, phong tỏa tài sản của ông Thaksin…

D.H
Theo Bangkok Post, AP

MỚI - NÓNG