Thái Lan từ chối để LHQ làm trung gian đàm phán

Thái Lan từ chối để LHQ làm trung gian đàm phán
Chính phủ Thái Lan ngày 16/5 tuyên bố "không chủ trương để các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan". Quyền phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, ông Panithan Wattanayakorn đã đưa ra tuyên bố trên.

Thái Lan từ chối để LHQ làm trung gian đàm phán 

Chính phủ Thái Lan ngày 16/5 tuyên bố "không chủ trương để các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc can thiệp vào công việc nội bộ của Thái Lan". Quyền phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, ông Panithan Wattanayakorn đã đưa ra tuyên bố trên.

Thái Lan từ chối để LHQ làm trung gian đàm phán ảnh 1
Lính vũ trang Thái Lan bắn đạn cao su vào đám đông biểu tình ở giao lộ Bon Kai. . Ảnh: Ảnh : Reuters

Ông Panithan Wattanayakorn nhấn mạnh rằng tất cả các chính phủ của nước này từ trước tới nay "không bao giờ chủ trương để các tổ chức quốc tế can thiệp vào những vấn đề trong nước".

Phát biểu trên nhằm đáp lại việc những người biểu tình "áo đỏ" do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu, vừa kêu gọi chính phủ tiến hành đàm phán dưới sự trung gian của LHQ.

Chiều cùng ngày, quân đội Thái Lan cho biết sẽ không ban bố lệnh giới nghiêm tại một số khu vực ở thủ đô Băngcốc do thấy chưa cần thiết. Tuy nhiên, nội các nước này vừa quyết định áp đặt sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp tại 5 tỉnh nữa - bao gồm Ubôn Rạtchathani (Ubon Ratchathani), Mahaxarạkham (Mahasarakham), Rôi Ét (Roi Et), Xacôn Nakhôn (Sakon Nakhon) và Nông Bua Lampu (Nong Bua Lampu) - nhằm đảm bảo an ninh và cho phép lực lượng an ninh kiểm soát bất kỳ cuộc bạo động nào liên quan tới làn sóng biểu tình của phe "áo đỏ" ở thủ đô.

Như vậy, tổng số tỉnh, thành được đặt trong tình trạng khẩn cấp đến nay là 22.

Con số thiệt mạng do đụng độ giữa quân đội và người biểu tình ở Băngcốc đã tăng lên 30, và số người bị thương là 232. Trước đó, Trung tâm Xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) của nước này đã tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép nhằm buộc những người "áo đỏ" phải chấm dứt biểu tình.

Từ chiều 16/5, một đoạn đường cao tốc thuộc đại lộ Pétchaburi (Phetchaburi) và đoạn đường khác từ ngã tư Rátchathevi (Ratchathewi) tới ngã tư Xảm Dan (Sam Yan) thuộc đại lộ Pada Thai (Phaya Thai) đã trở thành khu vực cấm vào.

Biện pháp này nhằm giúp quân đội kiểm soát hoàn toàn hai đoạn đường ở phía Bắc và phía Tây khu vực biểu tình Rátchapraxổng và là một phần của kế hoạch hạn chế, tiến tới khống chế địa điểm mà người biểu tình chiếm giữ từ ngày 3/4.

Trước đó, phát biểu trên truyền hình tối 15/5, Thủ tướng Abhisit Vejjajivat nói rằng vì lợi ích dân tộc, Chính phủ Thái Lan cần phải tiếp tục tiến hành hoạt động quân sự để chấm dứt cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" ở thủ đô. Chính phủ không cho phép người dân Băngcốc bị giữ làm con tin thêm nữa bởi các nhóm vũ trang bất hợp pháp và những người vi phạm pháp luật.

Từ chiều 16/5, những người có tuổi, phụ nữ và trẻ em đã bắt đầu rời Rátchapraxổng tới chùa Pathumwanaram cách giao lộ không xa. Một nhóm có tên là “Các tình nguyện viên giúp người biểu tình trở về nhà” đã cho phép những người biểu tình tới đăng ký và xin giúp đỡ tại sân vận động quốc gia cách đó khoảng 3 km. Họ sẽ được chở ra bến xe và được cấp vé tàu xe để trở về nhà.

Theo một số nguồn tin, một số quan chức phe đối lập đã rời Băngcốc ra nước ngoài. Cựu Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh, Chủ tịch đảng Puea Thai đối lập, đã rời Thái Lan sang Côn Minh (Trung Quốc) ngày 14/5.

Hơn mười ngày trước, một nhà lãnh đạo đảng Người Thái yêu người Thái (đã bị giải thể) Chaturon Chaisang cũng đã sang Côn Minh. Trong khi đó, bà Potjaman na Pombejra, người vợ đã ly dị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã cùng con trai Panthongtae và con gái Pinthongtha Shinawatra rời Băngcốc tới Singapore ngày 14/5. Còn Paethongtan, con gái út của ông Thaksin, hiện đang có mặt ở một nước châu Âu.

TTXVN 

MỚI - NÓNG