Thăm Bắc Kinh, ông Duterte vẫn sẽ nói về biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Manila vào tháng 11/2018 Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Manila vào tháng 11/2018 Ảnh: Reuters
TP - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không nản lòng trước việc Bắc Kinh muốn gạt phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 khỏi chương trình nghị sự giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Duterte dự kiến ngày mai đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một trong những nội dung mà Tổng thống Philippines sẽ đề cập là phán quyết của Tòa trọng tài với nội dung bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.

“Tổng thống nói rằng bất kể họ muốn nghe hay không, ông ấy sẽ nêu lại phán quyết. Ông ấy nói: Tôi sẽ nêu ra. Dù họ có thích hay không tôi vẫn sẽ nói”, Phát ngôn viên tổng thống, ông Salvador Panelo nói lại lời ông Duterte với báo Inquirer. Ông Duterte trước đó khẳng định sẽ vẫn nêu phán quyết cho dù điều đó khiến ông Tập tức giận.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa nói với báo giới rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm từ trước đến nay của họ.

Nói suông không ăn thua

Theo các nhà phân tích, không nên chờ đợi nhiều từ Trung Quốc nếu ông Duterte chỉ nêu bằng lời nói mà không có bước đi cụ thể nào khác.

“Nếu chỉ nói thì không tạo ra khác biệt gì”, chuyên gia về biển Đông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, trụ sở tại Washington, nói với báo Philippines Rappler.

Đề cập phán quyết mà không huy động các nước khác gây áp lực lên Trung Quốc sẽ không dẫn đến đâu. Bắc Kinh sẽ phớt lờ, như họ vẫn làm kể từ khi phán quyết được đưa ra ngày 12/7/2016, ông Poling nói.

Tập hợp ủng hộ quốc tế đối với phán quyết này là cách duy nhất để ông Duterte gây sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ, dù chỉ một số phần trong đó, ông Poling nói.

“Bắc Kinh sẽ không đột ngột thay đổi chính sách của họ. Nhưng nếu đây là một phần của nỗ lực ngoại giao lớn hơn nhằm đẩy mạnh phán quyết, tìm kiếm ủng hộ của cộng đồng quốc tế, và trình một nghị quyết lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương khác thì có thể sẽ tạo thành nỗ lực cần thiết để thuyết phục Trung Quốc phải thỏa hiệp trong dài hạn”, ông Poling nhận định.

Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, chia sẻ quan điểm này. “Tôi không chờ đợi Trung Quốc thừa nhận phán quyết này chỉ vì Tổng thống Duterte sẽ nêu ra trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập”, ông Carpio nói. Ông là một thành viên trong nhóm Philippines đã chuẩn bị tài liệu kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Thực tế là ông Duterte đã nhắc đến phán quyết này trong cuộc gặp gần đây nhất của ông với ông Tập. Báo Rappler dẫn một nguồn tin nắm được thông tin cuộc gặp ngày 25/4 tiết lộ rằng ông Duterte đột nhiên nhắc đến phán quyết trong cuộc gặp đó, gây ngạc nhiên cho cả các nhà ngoại giao Philippines và Trung Quốc.

Ông Duterte đã “nhắc nhở” ông Tập về phán quyết, nhưng nói rằng ông sẽ nêu chính thức vào một dịp khác. Bị bất ngờ vì nằm ngoài chương trình dự kiến, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đó phải nhanh chóng viết câu trả lời ra giấy rồi chuyển cho ông Tập trước khi đến lượt ông Tập phát biểu. Nội dung câu trả lời vẫn là không thừa nhận phán quyết.

“Sẽ rất ý nghĩa nếu Tổng thống Duterte tiếp tục nêu lại phán quyết như một trong những bước đi cụ thể nhằm củng cố và thực thi phán quyết”, ông Carpio nói.

Ông Carpio cho rằng những biện pháp mà ông Duterte có thể làm là tạo ra “quy ước” với các nước liên quan khác trên biển Đông, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei; cử 10 tàu mới của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ra tuần tra trên biển Đông; và khuyến khích tự do hàng hải và tự do bay ở khu vực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chuyện ông Duterte nêu lại phán quyết chỉ nhằm mục đích chính trị trong nước: hoàn thành lời hứa trước đây với người dân Philippines.   

Năm 2016, ông Duterte nói sẽ không dùng đến phán quyết vội nhưng sẽ làm điều đó “vào thời điểm thích hợp”, trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Gác lại phán quyết đã giúp Philippines thu được một số lợi ích kinh tế từ việc xích lại gần Trung Quốc.

Ngoài chuyện nêu lại phán quyết, ông Duterte cho biết lần này ông sẽ kêu gọi đẩy nhanh quá trình hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và vấn đề cùng khai thác dầu khí. 

MỚI - NÓNG