Thánh chiến Hồi giáo và xung đột giữa các nền văn minh

Hiến binh Pháp canh gác trước cổng một ngôi đền Hồi giáo ở thành phố Paris hôm 14/11. Ảnh: Reuters.
Hiến binh Pháp canh gác trước cổng một ngôi đền Hồi giáo ở thành phố Paris hôm 14/11. Ảnh: Reuters.
Từ khởi đầu ở Beirut năm 1983, phong trào “thánh chiến Hồi giáo” chống phương Tây đã vươn vòi bạch tuộc tới 6 châu lục.

Ngày 18/4/1983, cuộc “thánh chiến” của Hồi giáo cực đoan chống phương Tây chính thức bắt đầu. Một chiếc xe chở 910 kg chất nổ lao thẳng vào Đại sứ quán Mỹ ở Beirut (Lebanon). Tiếng nổ lớn bùng lên, khói đen bốc bao trùm toàn bộ tòa nhà sáu tầng. Tổng cộng 63 người thiệt mạng và 120 người khác bị thương. Và trong hơn 30 năm qua, phong trào “thánh chiến” đã phát triển đáng kể, các tổ chức cực đoan mọc lên như nấm khắp Trung Đông.

Hồi giáo cực đoan đã gây ra nhiều tội ác kinh hoàng như sự kiện 11/9, cuộc tấn công đẫm máu nhất trên lãnh thổ Mỹ kể từ trận Trân Châu Cảng, hay chiến dịch đánh bom liên hoàn năm 2004 ở Madrid (Tây Ban), vụ tấn công khủng bố chết chóc nhất trong lịch sử châu Âu.

Sự kiện ngày 13/11 ở Paris là cuộc tấn công chết nhiều người nhất ở Pháp kể từ Thế chiến II. Vòi bạch tuộc của “thánh chiến” đã khủng bố các mục tiêu phương Tây trên 6 châu lục.

Hai cơn địa chấn

Theo nhà phân tích ngoại giao - nhà báo - tác giả Mỹ Robin Wright, hai cơn địa chấn cuối thập niên 1970 đã kích động dữ dội tâm lý chống phương Tây. Đầu tiên, cuộc cách mạng Hồi giáo Iran thúc đẩy quyết tâm rũ sạch ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tại Trung Đông. Sự kiện đó ảnh hưởng lớn đến người Hồi giáo Shiite, bao gồm những người sau này sáng lập phong trào Hezbollah ở Lebanon. Tiếp đó, sự kiện của quân đội Liên Xô ở Afghanistan đã châm lửa chống đối khắp Trung Đông.

Phong trào Mujahideen (chiến binh thánh chiến) bùng lên tại Afghanistan. Các Mujahideen chủ yếu là người Hồi giáo Sunni, trong đó có Osama Bin Laden, ông trùm tổ chức khủng bố al-Qaeda sau này. Trong cả hai sự kiện đó, tôn giáo (đạo Hồi) trở thành biểu tượng của sự chống đối. Và cứ sau mỗi thập kỷ, cuộc “thánh chiến” lại phát triển với tốc độ vũ bão. Thập niên 1980 hàng loạt vụ đánh bom tự sát xảy ra.

Tuy nhiên, các nhóm như Hezbollah ở Lebanon hay Dawa tại Kuwait chỉ có mục tiêu mang tính chất địa phương như đối đầu với lực lượng ngoại quốc hay giành không gian chính trị. Các đợt tấn công của Hezbollah tại Beirut đầu thập niên 1980 chủ yếu nhằm mục tiêu buộc lực lượng Mỹ và Pháp rút khỏi Lebanon.

Nhưng đến thập niên 1990, phong trào “thánh chiến” bắt đầu phát triển vượt ra khỏi khu vực truyền thống.

Hezbollah tổ chức các cuộc tấn công ở Argentina và ​al-Qaeda lần đầu tiên nhắm vào Trung tâm Thương mại quốc tế (WTC) tại New York (Mỹ). Sau đó, al-Qaeda đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania. Diễn biến đó gợi nhắc những dự báo của sử gia ĐH Havard Samuel Huntington, một trong những nhà khoa học chính trị vĩ đại nhất của nước Mỹ, trong cuốn sách gây tranh cãi The clash of civilizations and the remaking of world order (Xung đột giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới).

Thánh chiến Hồi giáo và xung đột giữa các nền văn minh ảnh 1

Cảnh sát Pháp siết chặt an ninh ở tháp Eiffel. Ảnh: Getty.

“Đường nứt gãy” giữa Hồi giáo và phương Tây

Học giả Huntington cho rằng xung đột giữa các nền văn hóa và văn minh sẽ là nguồn gốc của các xung đột quốc tế thời hậu Chiến tranh ​Lạnh. “Đường nứt gãy” giữa các nền văn minh sẽ gây ra chiến tranh. Ông đánh giá nền văn minh Hồi giáo là đáng lo ngại nhất, bởi người Hồi giáo ở thế giới ​Arab không chia sẻ những giá trị của phương Tây. Sự trung thành của họ không dành cho quốc gia mà cho tôn giáo.

Văn hóa Hồi giáo không thể tiếp nhận những tư tưởng phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, dân chủ… “Thế giới Hồi giáo có đường biên giới đẫm máu. Chiến tranh và căng thẳng sẽ xảy ra ở những nơi thế giới Hồi giáo va chạm với các nền văn minh khác”, học giả Huntington viết. Ông nhận định các quốc gia phương Tây nên tránh xa các vấn đề đạo Hồi. Bởi hai nền văn minh này càng va chạm thì căng thẳng càng leo thang nghiêm trọng.

Do đó, ông dự báo “đường nứt gãy” giữa Hồi giáo và phương Tây sẽ trở thành chiến trường rực lửa. Sau vụ 11/9, rất nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây đồng ý với quan điểm của học giả Huntington.

Trong bài phát biểu ngày 19/9/2001 trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ George W. Bush mô tả cuộc chiến chống khủng bố của ông là “cuộc chiến của nền văn minh”. Nhà ngoại giao Mỹ Paul Bremer khẳng định: “Chúng ta (Mỹ) là nguyên nhân dẫn tới chủ nghĩa khủng bố của Bin Laden”.

Ông Bremer mô tả: “Bin Laden không thích xã hội chúng ta, không thích những gì chúng ta đại diện, không thích giá trị của chúng ta”. Học giả Bernard Lewis, người năm 2004 được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhà khoa học và nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất, cho rằng “đạo Hồi căm ghét nền văn minh phương Tây”.

Trong cuốn sách đầu tiên Through our enemies’ eyes (Qua cái nhìn của kẻ thù), sử gia - cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Scheuer viết: “Cuộc đối đầu giữa lực lượng của Bin Laden và của Mỹ đang trở thành cuộc xung đột giữa các nền văn minh”.

Ông Scheuner dự báo: “Đụng độ bạo lực giữa phương Tây và Hồi giáo sẽ là vấn đề trung tâm của chính trị quốc tế trong tương lai gần”. Ngay cả Bin Laden, trong một cuộc phỏng vấn, cũng đồng ý với quan điểm này. Tình báo phương Tây khẳng định các thủ lĩnh al-Qaeda coi cuốn sách của học giả Huntington là “tài liệu tham khảo” cho mọi “chiến sĩ thánh chiến”.

Chính sách của phương Tây?

Cuốn sách của giáo sư Huntington gây rất nhiều tranh cãi, bị giới học giả quốc tế phản đối và bác bỏ quyết liệt. Rất nhiều chuyên gia nhận định khủng bố Hồi giáo bùng phát là do các chính sách của phương Tây. Nhà khoa học chính trị Mỹ Robert Pape tranh luận rằng khủng bố Hồi giáo thực hiện các vụ tấn công tự sát không vì đạo Hồi mà “có mục tiêu chiến lược rõ ràng là buộc các nền dân chủ hiện đại rút lực lượng quân sự ra khỏi các vùng lãnh thổ họ coi là quê hương của họ”.

Thay đổi quan điểm, chuyên gia Michael Scheuer khẳng định các vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là của al-Qaeda, không vì sự căm thù nền văn hóa Mỹ hay Thiên Chúa giáo, mà vì niềm tin rằng chính sách ngoại giao của Mỹ đã đàn áp và sát hại người Hồi giáo ở Trung Đông. Ông mô tả: “Họ căm thù chúng ta vì những gì chúng ta làm, không phải vì những gì chúng ta đại diện”. Ông Scheuer xác định một số chính sách đối ngoại cụ thể của Mỹ đổ dầu vào lửa khủng bố Hồi giáo.

Đó là cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, quan hệ Mỹ - Israel (sự hỗ trợ quân sự, tài chính và chính trị của Mỹ dành cho Israel), việc Mỹ ủng hộ các quốc gia “bỏ đạo” ở thế giới Hồi giáo như Saudi Arabia, Ai Cập, Pakistan, Algeria, Morocco và Kuwait, việc Mỹ ủng hộ thành lập nhà nước Đông Timor độc lập từ lãnh thổ từng do quốc gia Hồi giáo Indonesia kiểm soát, quân đội Mỹ triển khai tại thánh địa Hồi giáo Saudi Arabia, sự phân biệt đối xử của phương Tây với người nhập cư theo đạo Hồi…

Một bằng chứng chứng minh luận điểm này là theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc tấn công khủng bố leo thang dữ dội trên thế giới sau khi Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq. Trên thực tế, trước khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein, ​al-Qaeda chưa từng tồn tại ở Iraq. Cuộc chiếm đóng của Mỹ đã làm thổi bùng lên làn sóng bạo lực tại Iraq và sự trỗi dậy của ​al-Qaeda ở đây. Và al-Qaeda tại Iraq chính là tiền thân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang khiến cả thế giới hoang mang.

Các nhóm khủng bố trở thành những đạo quân

Hơn 30 năm sau sự khởi đầu ở Beirut, phong trào “thánh chiến” chống phương Tây đã tăng trưởng dữ dội ở cả quy mô, vùng hoạt động và ảnh hưởng. Một số nhóm cực đoan nhỏ vươn lên thành đội quân quy mô lớn với vài nghìn binh sĩ. Sau cuộc "tắm máu" tại Paris ngày 13/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định trên truyền hình rằng “đó là hành động gây chiến của một đội quân khủng bố, một đội quân thánh chiến”.

Quả thực​, IS đã và đang thu hút cực đoan từ hàng chục quốc gia trên thế giới và trở thành một lực lượng quân sự khổng lồ. Trong 10 năm qua, chiến thuật của khủng bố Hồi giáo ngày càng trở nên linh hoạt, từ những địa điểm lớn, có tính biểu tượng cao tới những con người và nơi chốn bình thường, như quán café, nhà hàng, nhà hát, sân bóng đá, trạm tàu điện, tòa soạn báo… Chiến trường của khủng bố phủ khắp thế giới.

Và phong trào “thánh chiến” cũng tỏ ra hung hãn​, tham vọng hơn bao giờ hết. Sau cuộc tấn công ở Paris, IS đe dọa rằng “đây mới chỉ là sự khởi đầu” và “mùi tử khí sẽ không rời lỗ mũi của người Pháp nếu Paris tiếp tục tham gia vào chiến dịch của bọn thập tự chinh”. Hai tuần qua đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào “thánh chiến”, nếu quả thật IS ra tay thực hiện ba vụ tấn công đẫm máu ở ​3 châu lục là đánh bom máy bay Nga ở bán đảo Sinai (Ai Cập), đánh bom Beirut và khủng bố Paris. Quy mô khủng bố sẽ là chưa từng thấy, vượt trên những gì ​al-Qaeda có thể làm.

“Chúng ta đang phải đối mặt với thảm kịch. Ngày mai sẽ là một ngày mới. Nhưng chúng ta không biết thảm họa có tiếp diễn trong ngày mai hay không. Chúng ta không biết thảm họa đã chấm dứt chưa​", phó thị trưởng Paris Patrick Klugman than thở trên CNN sau đêm thảm họa.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG