65 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Liên Xô/LB Nga (30/1/1950 - 30/1/2015):

Thánh đường tri thức của tình hữu nghị

Sinh viên Việt Nam và các bạn quốc tế tại Đại học Hữu nghị các dân tộc
Sinh viên Việt Nam và các bạn quốc tế tại Đại học Hữu nghị các dân tộc
TP - Trong các trường đại học của Liên Xô/Nga, có một ngôi trường đặc biệt nổi tiếng khắp thế giới. Đó là Đại học Hữu nghị các dân tộc, Liên bang Nga. Đến nay, trường này đã đào tạo cho Việt Nam hơn 1.000 chuyên gia, nhân lực chất lượng cao.

Trường được Liên Xô thành lập ngày 5/2/1960 nhằm đào tạo chuyên gia trình độ cao cho các nước đang phát triển vừa thoát khỏi ách thống trị thực dân tại khu vực Á-Phi-Mỹ La tinh. Tính đến 2014, RUDN đã đào tạo khoảng 80.000 chuyên gia cao cấp đa lĩnh vực, trong đó có hơn 5.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Cựu sinh viên của RUDN có mặt tại hơn 170 quốc gia trên thế giới.

Ngày 5/2/1992, trường được đổi tên thành ĐH Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN). RUDN nhiều năm liền được xếp hạng là một trong số năm trường đại học hàng đầu của Liên bang Nga. Trong bảng xếp hạng các trường đại học của Quacquarelli Symonds, RUDN là một trong 10 trường đại học của Liên bang Nga lọt vào danh sách 500 trường đứng đầu thế giới và thuộc nhóm 20 trường đại học tốt nhất tại Liên bang Nga theo bảng xếp hạng toàn cầu Webometrics.

RUDN có quan hệ hợp tác với hơn 160 trường đại học và trung tâm nghiên cứu nước ngoài. RUDN có cơ cấu đa ngành với nhiều khoa và chuyên ngành cơ bản hàng đầu. Hiện có khoảng 28.000 sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ 152 quốc gia trên thế giới đang theo học tại RUDN. Trường có khoảng 2.500 giảng viên, trong đó có hơn 600 giáo sư và tiến sĩ khoa học, hơn 1.300 phó giáo sư và tiến sĩ. Trong cựu sinh viên RUDN có nhiều người trở thành lãnh đạo ở các nước châu Á và châu Phi, như Thủ tướng Kazakhstan, Thủ tướng Tchad, Tổng thống Guyana… 

Bắt đầu đào tạo sinh viên Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước nhưng đến nay, RUDN đã đào tạo cho Việt Nam hơn 1.000 chuyên gia. Hiện có 158 người Việt Nam đang theo học tại trường, trong đó 137 sinh viên (gồm 102 sinh viên được đào tạo theo ngân sách Liên bang Nga; 25 sinh viên theo học tự túc) và 21 nghiên cứu sinh.

Sáng kiến thành lập Nhà Hữu nghị của cựu sinh viên nước ngoài đã được đào tạo tại Nga/Liên Xô (Nhà Cựu sinh viên) do Hội hữu nghị Việt Nga và Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam đã được đào tạo tại Nga/Liên Xô (Vinacorvuz) đề xuất nhận được sự quan tâm, ủng hộ của GS.TSKH, Viện sĩ Viện Hàn lâm Giáo dục Liên bang Nga Vladimir Mikhailovich Filippov - Hiệu trưởng trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga.

Là trường đại học đào tạo nhiều sinh viên nước ngoài nhất, RUDN có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa các dân và nhân dân các nước. Và trong tương lai không xa, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng Nhà Hữu nghị - Nhà Cựu sinh viên tại RUDN.

Ngày 5/2/2015, RUDN sẽ long trọng kỷ niệm 55 thành lập tại Cung Quốc gia, điện Kremli, Mátxcơva với sự tham dự của đại biểu cựu sinh viên RUDN từ hơn 100 quốc gia . Các hoạt động kỷ niệm còn được cựu sinh viên RUDN triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Quan hệ Việt-Nga ngày càng phát triển

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tối 29/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự buổi chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nga do Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại buổi chiêu đãi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, thời gian qua, Việt Nam và Nga đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, năng lượng, hợp tác quốc phòng - an ninh… Trong giai đoạn mới, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hai bên nhất định sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển ở mỗi nước, vì hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Thu Loan

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG