Thành phố của ma quỷ, bạo lực và bóng đá

Thành phố của ma quỷ, bạo lực và bóng đá
TP - Juares, thành phố ở Bắc Mexico, kề biên giới với Mỹ và là một trong những trung tâm buôn lậu ma tuý và tội phạm bạo lực hoành hành mạnh nhất ở quốc gia này. Nhưng chẳng gì ngăn cản được tình yêu bóng đá của họ.
Thành phố của ma quỷ, bạo lực và bóng đá ảnh 1
Bạo lực không ngăn được người hâm mộ tới sân

Tuy hầu như ngày nào cũng xảy ra nhiều vụ giết người, có lúc bọn tội phạm còn công khai đe dọa giết chóc, thế nhưng tình yêu của người dân thành phố này đối với bóng đã không hề giảm sút.

Trước trận đấu bóng chiều thứ Hai tuần cuối tháng 3 vừa rồi, cảnh sát đã phát hiện thấy 9 xác chết, nhưng đông đảo người hâm mộ vẫn đổ tới sân vận động để cổ vũ cho đội bóng Odis.

Thành phố có một đội bóng chuyên nghiệp tên là Odis, do thành tích rất tốt nên đã được thăng hạng Ngoại hạng liên bang Mexico từ năm ngoái và hiện đang đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng. Sân vận động giống như cái bè Nô-ê. Khi tiếng súng bắn giết đang vang lên trong thành phố thì người hâm mộ vẫn đến chật kín các khán đài.

Mỗi lần đội khách đến đá với đội Odis, cảnh sát phải huy động từ 250 đến 400 người làm nhiệm vụ giữ trật tự. Các cầu thủ đội nhà đều có một “quy tắc” chung: ngoài thời gian tới sân thi đấu, tập luyện và ra ngoài mua nhu yếu phẩm ra, còn đều đóng cửa ở nhà. Ban ngày đi đâu chỉ đi các phố chính, tối đến không bao giờ ra khỏi cửa. Vợ cầu thủ nếu đưa đón con tới lớp bao giờ cũng đi thành từng nhóm.

Hậu vệ Savila vừa mới chuyển đến có một “tuyệt chiêu”: “Tôi không xem chương trình thời sự trên truyền hình, như thế tôi cảm thấy an toàn hơn”. Các cầu thủ ở một khu vực riêng biệt, được bao bọc bởi bức tường bê tông cao 2 mét trên có chăng dây điện trần, nhìn từ bên ngoài chả khác nào khu nhà tù. Nhưng đó là cách tốt nhất để bảo vệ các cầu thủ và gia đình khỏi gặp bất trắc.

Cuộc sống ở Juares thật chẳng dễ dàng. Tháng 5/2008, sau khi đội Odis được thăng hạng, bọn khủng bố đã gửi thư điện tử cho hơn 1 vạn cổ động viên đội bóng: “Nếu tới sân xem bóng đá, chúng mày sẽ phải trả giá bằng máu và sinh mạng, vì đó sẽ là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Juares”.

Năm 2008, thành phố này có hơn 1.600 người bị giết, còn từ đầu năm đến nay con số nạn nhân đã là hơn 280, trong đó có 16 cảnh sát bị bọn tội phạm sát hại. Chính vì vậy, Juares còn có tên gọi đáng sợ là “Thành phố ma quỷ”.

Mặc dù bị đe doạ khủng bố, nhưng hàng vạn cổ động viên vẫn tới sân để xem và đổ ra đường phố chúc mừng đội nhà lên hạng. Thậm chí họ trèo lên các nóc xe ô tô và nóc nhà để hò hét chào đón đội nhà từ sân bay.

Ông công tố viên của thành phố nói: “Chúng tôi vốn sợ hãi, nhưng nhờ đội Odis vĩ đại, chúng tôi đã tỉnh ra. Hiện nay mọi người đều thấy có dũng khí, thậm chí dám cụng ly với người lạ chỉ cần họ cũng mặc áo của Odis”.

Trước trận đấu hôm thứ Hai 30/3, mặc dù bầu không khí khủng bố bao trùm thành phố với 9 người bị giết hại, nhưng 22 ngàn khán giả vẫn ngồi chật kín khán đài. Khán giả thấy bình thường, nhưng cảnh sát và chính quyền như sắp lao vào trận đại chiến.

400 cảnh sát được huy động để bảo vệ an toàn cho các cầu thủ và khán giả. “Tôi có sợ thật, nhưng tôi phải sống cuộc sống của mình chứ không thể làm tù nhân của thành phố được”- Almart, một lái xe taxi nói, “Cảm tạ Thượng đế!Tôi đã sống để xem hết trận đấu này. Tôi hy vọng sau này sẽ còn được xem những trận đấu thế này. Nhưng nói thật lòng, tôi không biết ngày mai sẽ ra sao”.

Do ảnh hưởng của cơn bão tài chính, dự án xây dựng sân vận động 37 ngàn chỗ của Juares bị gác lại, nhưng bạo lực và các sự kiện khủng bố lại làm cho đội bóng Odis gặp thêm nhiều khó khăn.

Tháng 12/2008, Kitiwa, cầu thủ người Colombia đã rời khỏi đội, một quan chức đội bóng nói Kitiwa đã nhận được một cú điện đe doạ nên sợ hãi. Kẻ gọi điện doạ: hoặc là nộp tiền, hoặc con trai sẽ bị bắt cóc.

Hai cầu thủ khác hồi đầu năm nay cũng phải đưa gia đình về quê, ông Morila, giám đốc đội bóng cũng phải đưa 3 con tới nơi khác sinh sống. Ông nói: “Tôi cũng thấy sợ. Tôi sinh ra và sống ở đây đã 46 năm. Tôi cũng muốn chết ở đây, nhưng không phải bởi một viên đạn”.

Tuy nhiên, tình hình trị an ở Juares đang có biến chuyển. 2.000 cảnh sát và 5.000 lính đang ra sức lập lại trật tự ở đây. Số người chết đã giảm từ 10 người xuống còn 1 người/ngày.

Nhiệm vụ hàng đầu của Odis giờ đây là trụ hạng, vì ở Mexico nếu thi đấu ở giải ngoại hạng thì mỗi năm họ kiếm được tới 18 triệu USD nhờ tiền bản quyền truyền hình và từ hãng tài trợ. Còn nếu xuống hạng thì thu nhập chỉ còn 1 triệu USD thôi.

Phương Lan
Theo Thanh niên Bắc Kinh, 1/4

MỚI - NÓNG