Thất bại được báo trước?

Thất bại được báo trước?
TPO - Thất bại tại Moscow được báo trước, nhưng nỗ lực của Nga có thể làm hạ nhiệt mối lo ngại về cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông, khi thời điểm cấm vận của phương Tây đối với Iran sắp có hiệu lực.
Đàm phán về hạt nhân của Iran tiếp tục đổ vỡ?
Đàm phán về hạt nhân của Iran tiếp tục đổ vỡ?. Ảnh: AP

Hôm qua 17-6, đại diện cấp cao của “bộ 6” trung gian quốc tế, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran đã có mặt tại Moscow để chuẩn bị cho các vòng tiếp theo của cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Đàm phán dự kiến diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-6. Theo dự kiến, một trong những chủ đề chính tại cuộc đàm phán sẽ là các công việc làm giàu uranium tới 20%. Tehran cho rằng, Iran thực hiện các công việc làm giàu uranium chỉ vì mục đích hòa bình. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây lo ngại rằng, Iran có thể sử dụng chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng này, ngày 13-6, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có chuyến công du “không được lập trình trước” tới Iran trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Iran sắp có hiệu lực, làm dấy lên những mối quan ngại nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên kể từ năm 1979 khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng chống Tehran, và Iran đáp trả bằng cách tuyên bố “cuộc thánh chiến kinh tế”.

Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức, dẫn lời Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, ở Moscow sẽ đạt được tiến bộ”. Tổng thống Iran cũng khẳng định, Tehran sẵn sàng thực hiện bước tiến tích cực trong cuộc đàm phán, và rằng tiến bộ chỉ có thể đạt được nếu nhóm trung gian quốc tế cũng sẵn sàng thực hiện những bước đi theo hướng đối thoại.

Moscow cũng hy vọng cuộc gặp này sẽ có cuộc đối thoại xây dựng giữa Đại diện tối cao của EU về ngoại giao và chính sách an ninh Catherine Ashton với Thư ký Hội đồng An ninh Iran Saeed Jalili.

Trước đó, bà Catherine Ashton cũng khẳng định EU và Iran đã thỏa thuận về nội dung đàm phán tại Moscow. Thỏa thuận này đạt được trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ giữa bà với nhà thương lượng Iran, ông Saeed Jalili.

Thất bại được báo trước? ảnh 2
"Iran thử hạt nhân tại Parchin" - IAEA nói "Có", Tehran nói "Không". Ảnh: Telegraph

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, cuộc gặp khó có thể mang lại những kết quả tích cực theo hướng "khắc phục những bất đồng hiện nay và xích lại gần nhau hơn" như kỳ vọng của những nhà tổ chức, đặc biệt là Moscow.

Trên thực tế, bất động giữa Iran và phương Tây nằm trong chính mục đích theo đuổi của cả hai phía trước và trong cuộc đàm phán. Trong khi Iran kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền theo đuổi năng lượng hạt nhân của nước này vì mục đích hòa bình, thì Mỹ, phương Tây và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) yêu cầu chính quyền Tehran chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Tehran không đồng ý với kiến nghị của phương Tây. Ngay trước khi diễn ra cuộc đàm phán, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi đã đưa ra lời cảnh báo, rằng Tehran sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền sản xuất năng lượng hạt nhân của mình và kêu gọi phương Tây công nhận thực tế rằng Iran sẽ không từ bỏ quyền này.

Trong động thái tương tự, hãng tin Mehr, Iran, dẫn lời một nghị sĩ Iran cho rằng vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran và “bộ 6” sẽ không mang lại kết quả tích cực do Mỹ, Anh, thậm chí cả Pháp, tiếp tục đe dọa Iran.

Nghị sĩ Esmail Kosari nói rằng các nước phương Tây muốn kết thúc hồ sơ hạt nhân của Iran bằng cách dọa dẫm và gây sức ép, trong khi Iran không chấp nhận điều đó.

Trong khi đó, Washington tuyên bố, nếu cuộc thương lượng ở Moscow không mang lại kết quả thì Mỹ sẽ gia tăng áp lực với Iran.

Ngoài ra, cơ sở quân sự Parchin của Iran cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hội đàm tại Moscow bế tắc.

Trước đó, tại cuộc đàm phán giữa Iran và IAEA về chương trình hạt nhân của nước này hôm 8-6 vừa qua tại Vienna (Áo) đã không đạt được thỏa thuận cho phép IAEA điều tra về công trình nghiên cứu nghi là để chế tạo bom nguyên tử của Iran tại Parchin.

IAEA đã gây sức ép để Iran cho phép các thanh sát viên đến khu quân sự Parchin ngay lập tức, vì tin rằng các vụ thử các vũ khí hạt nhân đã diễn ra và nghi ngờ rằng Iran có thể đã xóa dấu vết tại khu vực này.

Tehran một mực tuyên bố, sẽ không cho phép các thanh sát viên IAEA đến thăm cơ sở quân sự Parchin, với lý do quan ngại tình báo phương Tây cài cắm điệp viên trong thành phần thanh sát viên IAEA.

Tùng Dương

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.