Thay máu

Thay máu
TP - Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, nhân vật thân tín trong nhóm nội bộ của ông được cho là một “sự bùng nổ chưa từng có” xảy ra tại Điện Kremlin.

> Tổng thống Nga bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng mới

Bất ngờ bởi trong vòng 10 năm qua, ông Anatoly Serdyukov được biết đến như một cộng sự đắc lực của Tổng thống Putin.

Serdyukov từng là người đứng đầu cơ quan thuế của Nga năm 2003. Gần đây hơn, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Serdyukov đã mạnh tay cắt giảm và tái cơ cấu quân đội theo chỉ thị hiện đại hóa quốc phòng của Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, trong khi các cuộc cải tổ quân đội Nga chưa đạt được kết quả nào đáng kể thì những bê bối tham nhũng tràn lan trong quân đội Nga, gần đây nhất là vụ điều tra Oboronservis – một Cty cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng do ông Serdyukov làm Chủ tịch Hội đồng quản trị bị cáo buộc làm thất thoát khoảng 97 triệu USD công quỹ, như giọt nước làm tràn ly buộc Tổng thống Putin phải có hành động mạnh tay.

Tham nhũng hiện là một trong những vấn đề lớn nhất tại Nga mà tầng lớp dân thường, các doanh nhân và cả các nhà đầu tư phải đối mặt.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số Đo lường Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Nga hiện đang cùng Nigeria đứng vị trí 143 trên tổng số 182 nước có mức tham nhũng cao nhất trên toàn thế giới.

Mặc dầu vậy, không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân ông Serdyukov phải ra đi không hẳn chỉ vì tham nhũng bởi như lời ông Putin, liệu người ta có thể trông đợi điều gì mới mẻ khi nói về một vấn đề cố hữu.

Cùng với việc Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov phải ra đi, Tổng thống Putin đã thay Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga và một loạt tướng lĩnh cao cấp khác.

Theo giới quan sát, nhận thức rằng xu hướng sử dụng sức mạnh đang đánh dấu sự trở lại trong các quan hệ quốc tế, Nga đang tiến hành nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Tuy nhiên, quân đội Nga dù đang được hiện đại hóa mạnh mẽ, vẫn còn tụt hậu so với các nước phương Tây mà minh chứng rõ nhất là khi người ta so sánh cuộc chiến ở Libya với sự tham gia của quân đội Anh, Pháp năm 2011 với cuộc chiến Nga-Gruzia ba năm trước đó.

Người Nga đã nhận thấy sự tụt lại của mình. Một sự “thay máu” bộ máy quân sự là cần thiết và Tổng thống Putin đã mạnh tay thực hiện đúng với tính cách cương quyết của ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG