THẾ GIỚI 24H: 492 trường hợp tử vong vì nhiễm virus corona trên toàn thế giới

Những bệnh nhân đầu tiên đã được đưa tới bệnh viện Hỏa Thần Sơn tại Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
Những bệnh nhân đầu tiên đã được đưa tới bệnh viện Hỏa Thần Sơn tại Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
TPO - Tính đến sáng ngày 5/2, trên toàn thế giới có 23.858 ca nhiễm bệnh và 492 người đã tử vong, với 2 ca được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc đại lục là ở Hong Kong và Philippines. 

Bên cạnh đó trên thế giới xác định được 757 trường hợp đã chữa khỏi virus corona. Tính tới nay, tổng cộng 23.648 ca nhiễm bệnh và 490 người tử vong đã được ghi nhận tại Trung Quốc đại lụcTheo số liệu công bố mới nhất ngày 5/2, Hồ Bắc, tâm điểm của dịch virus corona, cũng có thêm 3.156 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn tỉnh lên thành 16.678. Số người chết vì virus corona tại Hồ Bắc đã lên tới 479 người, giới chức ủy ban y tế của tỉnh ghi nhận 65 ca tử vong mới trong ngày 4/2.


Trong ngày 4/2, một trong ba bệnh viện dã chiến được xây dựng cấp tốc ở Vũ Hán, Hỏa Thần Sơn, đã đi vào hoạt động. Bệnh viện, với quy mô 1.000 giường, chỉ tiếp nhận các ca nhiễm đã được xác nhận từ các bệnh viện khác vốn đang quá tải. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được xây dựng bên hồ Zhiyin, thuộc thành phố Vũ Hán. Đối với Bắc Kinh, bệnh viện này được coi là biểu tượng cho quyết tâm chống dịch virus corona đang lây lan nhanh chóng từ tâm dịch Vũ Hán


Theo Tân Hoa Xã, hơn 400 quan chức Trung Quốc đã bị cách chức hoặc xử phạt vì xử lý kém sự bùng phát dịch viêm phổi do virus corona. Chỉ tính riêng ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, đã có 337 quan chức bị kỷ luật.  Tại Thiên Tân, Hà Bắc và Phúc Kiến, nhiều quan chức khác cũng bị xử phạt. Một quan chức cấp cao ở thành phố Hechi thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, đã bị cách chức sau khi bị phát hiện dự tiệc cưới ở Vũ Hán và sau đó về Hechi đi uống rượu thay vì đi khám.


Khoảng 550 công dân Mỹ sẽ được sơ tán về nước trên hai máy bay, dự kiến sẽ sớm rời khỏi Vũ Hán trong mấy ngày tới. Đây là đợt sơ tán công dân Mỹ khỏi Vũ Hán thứ hai trong vòng một tuần qua. Trước đó, 195 công dân Mỹ đã được đưa về nước và hiện đang trải qua quá trình kiểm dịch bắt buộc 14 ngày tại bang California. Hiện đã có 11 trường hợp nhiễm virus corona tại Mỹ bao gồm 2 trường hợp lây từ người sang người.


Chính phủ Ấn Độ ngày 4/2 tiếp tục siết chặt quy định về thị thực bằng cách hủy tất cả các thị thực đã được cấp cho công dân Trung Quốc cũng như người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua, đồng thời cấm tất cả các hãng hàng không Ấn Độ đón bất kỳ hành khách nào từ Trung Quốc. Trước đó, ngày 2/2, Ấn Độ đã tạm đình chỉ thị thực điện tử đối với công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài cư trú tại Trung Quốc. Cho đến nay, Ấn Độ xác nhận có 3 trường hợp bị nhiễm dịch bệnh, đều trở về từ thành phố Vũ Hán.


Ngày 4/2, Chính phủ Afghanistan cho biết 59 phiến quân Taliban đã ra đầu hàng lực lượng an ninh của chính phủ tại 3 tỉnh miền Tây nước này, gồm huyện Ab Kamari thuộc tỉnh Badghis, huyện Sharak thuộc tỉnh Ghor và huyện Chishti Sharif thuộc tỉnh Herat. Trong số các phiến quân này có 3 chỉ huy của lực lượng Taliban là Mullah Abdul Nasir, Mullah Salahuddin và Abdul Had. Kể từ đầu tháng 1 đến nay, hơn 500 tay súng Taliban và thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đầu hàng quân chính phủ.


Ngày 4/2, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sơ bộ đầu tiên theo hình thức họp kín đã diễn ra tại bang Iowa. Đây là cuộc tranh cử đầu tiên của các ứng cử viên nhằm giành tấm vé trở thành đại diện chính thức của mỗi đảng để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Dù chỉ đứng thứ 26 về mặt diện tích và thứ 30 về dân số, hơn 100 năm qua, tiểu bang Iowa luôn được lựa chọn là nơi nổ “phát súng lệnh” trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.


Ngày 4/2, Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ nhiều phần của bản kế hoạch hòa bình mới của Mỹ cho khu vực Trung Đông, khẳng định rằng văn bản này vi phạm "các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí", và việc Israel sáp nhập đất đai của người Palestine sẽ vấp phải sự phản đối. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi hôm 28/1 vừa qua. Kế hoạch của ông Trump đã được phía Israel hoan nghênh, song bị người Palestine kịch liệt bác bỏ. Văn kiện dài 80 trang này kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song thừa nhận Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel.


Ngày 4/2, giới chức Hy Lạp cho biết nước này sẽ triển khai một số tên lửa phòng không Patriot tới Saudi Arabia theo một chương trình có sự tham gia của cả Mỹ, Anh và Pháp. Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết khoảng 130 nhân sự sẽ được triển khai cùng với các tên lửa Patriot. Quyết định triển khai Patriot của Hy Lạp góp phần tăng cường an ninh năng lượng, ổn định khu vực và thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia. Quan chức này cũng lưu ý Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa không gây mối đe dọa đối với những nước khác trong khu vực.

MỚI - NÓNG