THẾ GIỚI 24H: Anh nói gì về ‘khả năng Nga xâm lược Ukraine’?

THẾ GIỚI 24H: Anh nói gì về ‘khả năng Nga xâm lược Ukraine’?
TPO - Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, còn quá sớm khi nói về “cuộc xâm lược toàn diện” của Nga đối với Ukraine như tuyên bố trước đó của Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Hãng RIA Novosti tối ngày 7/6 dẫn cuộc trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trên kênh BBC, cho biết: “Đã có một số dấu hiệu đáng chú ý về sự gia tăng hoạt động của cả lực lượng vũ trang Nga cũng như ly khai Ukraine trên khu vực ly khai kiểm soát. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng rằng về những dự đoán về một cuộc tấn công quy mô của Nga hay ly khai vào các vị trí đóng quân của Kiev”. (Xem chi tiết)


Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 7/6 nhất trí rằng, Phương Tây cần duy trì các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi nước này tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.

Trong thông cáo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) diễn ra tại miền Nam nước Đức, Nhà Trắng nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine và nhất trí rằng việc kéo dài các biện pháp trừng phạt cần gắn chặt với việc Nga thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk, cũng như Moscow phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.


Tổng thống Ukraine Poroshenko tuyên bố sẽ không cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại Donbass. 

“Tôi là một Tổng thống và là một Tổng tư lệnh tối cao, là người bảo đảm hiến pháp và là người bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không bao giờ cho phép tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại Donbass", ông Poroshenko tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Kiev. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ tự trị địa phương tại phía đông nam của đất nước, nhưng “nhất thiết khu vực này phải nằm trong thành phần của Ukraine".


Đã có khoảng 3.000 người xuống đường tại Kiev để lên án chính phủ vì không đưa ra được chính sách cải tổ và khiến nền kinh tế mất ổn định.

Rất nhiều người đã mang những biểu ngữ như “Chúng tôi đói”, “Hãy tăng tiền lương hưu” và một số dòng chữ chống lại những người đồng tính và tuần hành dọc từ phố Khreshchatyk cho đến quảng trường Maidan ở trung tâm thủ đô Kiev. Có người đã lớn tiếng đòi các quan chức trong chính phủ hiện tại phải từ chức còn Tổng thống Petro Poroshenko thì phải bị đưa ra tòa xét xử, bởi họ không đủ năng lực giải quyết những vấn đề của đất nước. Người biểu tình đã yêu cầu tăng tiền trợ cấp xã hội và chấm dứt bạo lực ở miền Đông Ukraine.


Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin, ngày 7/6, quân đội Syria và các lực lượng dân quân hỗ trợ đã tấn công vào thành phố Hasaka, tiêu diệt 10 tay súng khủng bố IS trong trận chiến tại khu vực ngoại ô phía Nam của thành phố.

Hiện quân đội Syria cũng giành lại quyền kiểm soát một số khu vực đã rơi vào tay IS gần đây. Kênh truyền hình Syria cũng phát hình ảnh của trận chiến tại Hasaka, cho thấy quân đội Syria thực hiện cuộc tấn công từ rạng sáng nay với những loạt đạn pháo yểm trợ.


Số người chết vì động đất trên núi Kinabalu, bang Sabah, Malaysia tăng lên 16 người, khi lực lượng cứu hộ thu thập thêm thi thể. 

Những người thiệt mạng gồm 7 người Singapore, 6 người Malaysia, mỗi nước Philippines, Trung Quốc và Nhật có một công dân thiệt mạng. Malay Mail Online dẫn lời ông Masidi Manjun, Bộ trưởng Du lịch bang Sabah, hôm nay nói: "Chúng tôi hôm nay tìm thấy thêm các thi thể và hai phần thi thể, điều kiện khiến chúng tôi không thể xác định danh tính từ những phần thi thể này". Trong số 7 người Singapore thiệt mạng, có 6 học sinh tiểu học và một giáo viên, đang trong chuyến dã ngoại của trường tới địa điểm leo núi nổi tiếng.


Hơn một chục tàu từ nhiều nước châu Âu, cùng ít nhất một tàu dân sự, thực hiện nhiệm vụ giải cứu những người di cư bị mắc kẹt trên biển tại 4 địa điểm, CNN dẫn lời một sĩ quan đội bảo vệ bờ biển Italy cho hay.

Theo ông William Spindler, phát ngôn viên Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, các đơn vị triển khai hành động sau khi nhận cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên vào sáng sớm 7/6. Đến 11h (giờ địa phương), khoảng 3.480 người đã được cứu thoát. Tham gia chiến dịch lần này có tàu thuộc hải quân các nước như Italy, Anh, Đức và Ireland. Cùng ngày, khoảng 2.400 người cũng được cứu từ 5 chiếc thuyền lênh đênh trên biển, cách Libya hơn 50 km. Mỗi thuyền nhồi nhét khoảng 560 người.


Chính phủ Hàn Quốc đã công bố tên 24 bệnh viện liên quan đến Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choi Kyung-hwan nói việc công bố tên các bệnh viện này là một động thái không thể tránh khỏi vì lợi ích của người dân, nhằm đảm bảo sự an toàn của họ. Tính đến ngày 7/6, đã có hơn 2.300 người ở Hàn Quốc đã bị cách ly ở các cơ sở y tế và tại nhà. Cùng ngày, có thêm 14 trường hợp được ghi nhận là đã nhiễm MERS, trong đó có một trường hợp tử vong, đưa tổng số ca lây nhiễm lên 64 và số trường hợp tử vong lên thành năm người


Ngày 7/6, người dân Luxembourg đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính bước ngoặt về việc liệu có nên trao cho các công dân xuất thân nước ngoài, những người chiếm tới gần 1/2 dân số Luxembourg, quyền bầu cử đầy đủ hay không.

Nếu điều này xảy ra, đất nước bé nhỏ với dân số khoảng nửa triệu người này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) trao cho các cư dân sinh ra ở nước ngoài quyền bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử tại nước này. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel gọi cuộc trưng cầu dân ý trên là cơ hội để tăng cường "bảng thành tích" dân chủ của công quốc giàu có nằm giữa Bỉ, Pháp và Đức này.

MỚI - NÓNG