THẾ GIỚI 24H: Armenia và Azerbaijan đàm phán cấp cao sau gần 2 tuần giao tranh

Một binh lính Armenia đấu pháo với lực lượng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP
Một binh lính Armenia đấu pháo với lực lượng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP
TPO - Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề Nagorny-Karabakh, nhưng sẽ không nhượng bộ Armenia. 
Ngày 9/10, ngoại trưởng các nước Armenia và Azerbaijan đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau gần hai tuần giao tranh tại khu vực Nagorny-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề Nagorny-Karabakh, nhưng sẽ không nhượng bộ Armenia. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian với Azerbaijan để giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước tại vùng lãnh thổ nói trên. Văn phòng của Cao ủy LHQ về nhân quyền cho biết đã nhận được những báo cáo hiện chưa thể kiểm chứng về thông tin khoảng 53 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh kể từ ngày 27/9 vừa qua. Đến nay, tổng cộng khoảng 400 người, trong đó có các binh sỹ, đã thiệt mạng trong khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tổng thống Kyrgyzstan đã ký sắc lệnh chấp thuận chính phủ do Thủ tướng Kubatbek Boronov đứng đầu từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới tại nước này. Thông tin trên được bộ phận báo chí của Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov thông báo ngày 9/10. Thông báo cho biết, “Tổng thống Cộng hòa Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov đã ký một sắc lệnh, theo đó việc từ chức của Thủ tướng Kubatbek Boronov đã được chấp nhận.

Ngày 9/10, bạo loạn đường phố tiếp diễn ở thủ đô Biskek của Kyrgyzstan, ngay sau khi Tổng thống Sooronbai Zeenbekov ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm ủng hộ các lực lượng chính trị khác nhau ở thủ đô Bishkek khi nhiều người ném chai lọ và gạch đá về phía đối phương. Nhiều tiếng súng nổ cũng được nghe thấy. Trong khi đó, hãng tin RIA của Nga đưa tin cựu Tổng thống Kyrgyzstan, Almazbek Ambayev, đã thoát khỏi một âm mưu ám sát sau khi xe của ông bị nã đạn.

Trong ngày 9/10, Ủy ban Tranh luận tổng thống đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức buổi tranh luận lần 2 giữa Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, ban đầu dự kiến diễn ra ngày 15/10. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố không tham gia cuộc tranh luận theo hình thức trực tuyến. "Không có lý do y tế nào để hủy bỏ cuộc tranh luận ngày 15/10 ở Miami như kế hoạch ban đầu, bởi Tổng thống Trump đã khỏe mạnh và sẵn sàng tranh luận", Tim Murtaugh, Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, phản đối theo Wall Street Journal.

Ấn Độ, ngày 9/10 đã bắn thử thành công tên lửa chống bức xạ thế hệ mới RUDRAM nhằm vào một mục tiêu phát xạ đặt trên đảo Wheeler ngoài khơi bờ biển bang miền Đông Odisha. Tên lửa được phóng từ máy bay chiến đấu SU-30 MKI.Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh RUDRAM là tên lửa chống bức xạ nội địa đầu tiên dành cho Không quân Ấn Độ (IAF), do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) phát triển. Tên lửa được gắn trên máy bay chiến đấu SU-30 MKI và có khả năng thay đổi tầm bắn tùy theo điều kiện phóng. Tên lửa có thể đạt tầm bắn 200 km, đạt tốc độ tối đa Mach 2 và có thể bắn từ độ cao 500 mét đến 15 km.


Bộ Tư pháp Mỹ ngày 9/10 cho biết, Cục Điều tra liên bang (FBI) và cảnh sát bang Michigan đã chặn đứng âm mưu bắt cóc Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer và bắt giữ 13 người liên quan đến vụ việc được cho là “rất nghiêm trọng” này. Một cuộc điều tra do FBI dẫn đầu đã xác định được 6 đối tượng là nam giới âm mưu bắt cóc Thống đốc Whitmer là Adam Fox, Barry Croft, Ty Garbin, Kaleb Franks, Daniel Harris và Brandon Caserta. Các đối tượng trên, có 5 người đến từ Michigan, người còn lại đến từ Delaware, đã bị bắt ngày 7/10 với cáo buộc lên kế hoạch bắt cóc trong nhiều tháng, huấn luyện các thành viên trong nhóm mà giới chức liên bang cho là một nhóm dân quân.

Triều Tiên có thể tận dụng cuộc duyệt binh quy mô lớn vào hôm nay 10/10 để vừa khoe vũ khí mới, vừa khẳng định với thế giới bên ngoài rằng họ vẫn ổn bất chấp đại dịch Covid-19. Lee Sang Yong, Tổng biên tập của tờ Daily NK, một trang web có trụ sở tại Seoul, dự đoán quy mô cuộc duyệt binh năm nay sẽ rất lớn. Theo ông Lee, ngay từ tháng 3, Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho quân đội huy động 32.000 binh sĩ. Quy mô cuộc duyệt binh lớn đến mức mỗi địa điểm tập luyện đều phải được mở rộng.

Bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương, ngày 9/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Madrid và vùng phụ cận, thực hiện lệnh phong tỏa từng phần để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các khẩn cấp, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới. Ông nhấn mạnh bảo đảm sức khỏe cho người dân vùng thủ đô là nhiệm vụ then chốt khi chỉ trong tuần trước đã có 66 bệnh nhân COVID-19 tử vong và hiện còn khoảng 500 người đang phải "giành giật sự sống với tử thần."


Theo Đài Phát thanh và truyền hình nhà nước Iran IRBI, Tổng thống Rouhani gọi âm mưu của Mỹ nhằm tạo ra những trở ngại nghiêm trọng đối với các giao dịch chuyển tiền để được cung cấp thực phẩm và thuốc men là một tội ác và vô nhân đạo. Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đưa ra ngày 9/10 khẳng định lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nhiều ngân hàng của Iran là nhằm ngăn cản hoạt động mua thực phẩm và thuốc men của nước CH Hồi giáo này.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.