THẾ GIỚI 24H: Baltic kêu gọi NATO triển khai quân đội đối phó Nga

THẾ GIỚI 24H: Baltic kêu gọi NATO triển khai quân đội đối phó Nga
TPO - Ba nước vùng Baltic (gồm Estonia, Latvia, Lithuania) kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai binh sỹ trên bộ đóng quân lâu dài tại khu vực này. Động thái này được cho là nhằm đối chọi với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Đông Âu.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Latvia, ông Mindaugas Neimontas ngày 14/5 cho biết, trong một bức thư chung dự kiến gửi Chỉ huy tối cao của liên quân NATO ở châu Âu, tướng Philip Breedlove vào tuần tới, lãnh đạo quân đội 3 nước đã yêu cầu NATO triển khai đơn vị cấp sư đoàn, đến mỗi nước. Động thái này được cho là nhằm đối chọi với ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Đông Âu. Trong một phản ứng từ phía Nga, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov rằng, yêu cầu của 3 nước Baltic bắt nguồn từ “những quan điểm chính trị mang tính chất địa phương hơn là chủ trương đảm bảo an ninh thực sự cho khu vực”. Đại sứ Nga cũng nhấn mạnh, không có bất cứ quốc gia nào đe dọa các nước Baltic.


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev nói rằng Donbass có thể làm theo tấm gương Crimea (ám chỉ việc trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga) nếu khu vực này không nhận được quyền tự trị rộng rãi. Ông Kosachev nói: "Năm 1991, Crimea nhận được quy chế đặc biệt trong thành phần Ukraine nhưng 20 năm sau, Kiev đã cào bằng quy chế này và kích động các vấn đề sau đó. Điều tương tự như vậy có thể xảy ra hoặc không xảy ra ở miền Đông Nam (Ukraine) tùy thuộc vào phương án hành động mà Kiev lựa chọn”. Thượng nghị sĩ này cho rằng Kiev cần xem Donbass "như một khu vực đặc biệt" để duy trì khu vực này như một phần của Ukraine, theo Vietnamplus.


Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk, hôm 14/5, cho biết, nước này sẽ không đồng ý trì hoãn thêm việc thực hiện Thỏa thuận liên kết với EU. Thỏa thuận này được ký từ tháng 6 năm ngoái và sẽ dỡ bỏ thuế quan cho khoảng 90% sản phẩm hàng hóa thương mại giữa Ukraine và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã quyết định trì hoãn thực hiện thỏa thuận này đến ngày 31/12 năm nay với lý do khối này cần phải thảo luận thêm về những vấn đề có thể nảy sinh giữa Ukraine và Nga.


Ngày 14/5, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã xuất kích để chặn 2 máy bay ném bom tầm xa của Nga gần không phận của Anh ở phía Bắc Scotland. Tuyên bố của người phát ngôn bộ trên nêu rõ: "Máy bay bị chặn, được xác định là Tupolev Tu-95, đã bị máy bay chiến đấu Typhoon của RAF theo sát cho tới chúng khi ra khỏi không phận của Anh. Máy bay quân sự của Nga chưa bao giờ đi qua không phận chủ quyền của Anh". Các vụ chặn máy bay Nga của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gia tăng hồi năm ngoái trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Phương Tây và Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper ngày 14/5 đã yêu cầu Thượng viện cho phép mua động cơ Nga. Họ cho rằng cần tháo dỡ hạn chế về cung cấp động cơ tên lửa RD-180 từ phía "Energomash" của Nga vì Mỹ  gặp "những thách thức lớn" trong lĩnh vực phóng thiết bị không gian vì mục đích quốc phòng và tình báo. ỹ đã đặt mua tất cả 18 động cơ RD-180 theo hợp đồng được ký kết trước khi Crimea sáp nhập Nga. Do các hạn chế áp đặt bởi Thượng viện, quân đội chỉ được phép mua 5 động cơ. Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Thượng viện về Ủy ban Quân vụ, ông John McCain cho rằng, ngân sách quân sự không thể chấp nhận "chi 300 triệu USD từ nguồn lực quốc phòng quý giá của Mỹ để trợ cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngành vũ khí Nga", theo Sputnik.


Ngày 14/5, lực lượng nổi dậy mang tên Tập hợp Các phong trào Azaward (CMA) do người Tuareg dẫn đầu đã ký tắt Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc giữa Chính phủ Mali và các nhóm vũ trang ở miền Bắc. Tuy nhiên, CMA nhấn mạnh cần phải có những thay đổi trước khi nhóm này chính thức ký thỏa thuận nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột ở quốc gia châu Phi này. Ông Bilal Ag Cherif, lãnh đạo CMA, nêu rõ việc ký tắt văn kiện trên về mặt pháp lý khác hoàn toàn với việc ký một thỏa thuận toàn diện. Ông này cũng khẳng định CMA sẽ không tham gia lễ ký chính thức Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tại thủ đô Bamako của Mali.


Năm tàu chiến của Iran ngày 14/5 nã đạn băng qua mũi một tàu hàng cắm cờ Singapore trong vùng biển quốc tế ở Vịnh Ba Tư. Theo CNN, không rõ tàu hàng Alpine Eternity có bị trúng đạn hay không. Một quan chức Mỹ cho hay sau khi bị bắn cảnh cáo, tàu này đã chạy trốn vào vùng lãnh hải của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). UAE đã điều các tàu tuần duyên bảo vệ tàu hàng trên khiến lực lượng Iran rút lui sau đó. Không có công dân hay hàng hóa của Mỹ trên tàu Alpine Eternity. Một tàu chiến của hải quân Mỹ đang hoạt động cách đó 20 hải lý nhưng không nhận được tín hiệu cấp cứu. Lầu Năm Góc đang thu thập thông tin về vụ việc.


Cảnh sát Anh cho biết hơn 700 nghi can khủng bố tiềm năng đã tới Syria để chiến đấu hoặc hỗ trợ những phần tử cực đoan và hơn 1/2 trong số này được cho là đã trở về Vương quốc Anh. Mark Rowley, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia về chống khủng bố của Anh, cho biết các nghi can này "không phải là nhân viên cứu trợ hay người đi thăm họ hàng - chúng là mối quan ngại thực sự”. Ông Rowley cho biết trong năm ngoái, lực lượng chức năng Anh đã bắt giữ con số kỷ lục 338 nghi can khủng bố và hơn 1/2 trong số này liên quan tới Syria.


Hạ viện Mỹ ngày 14/5 đã thông qua một dự luật, theo đó sự thu thập dữ liệu rộng rãi của tình báo Mỹ qua truyền thông điện tử sẽ bị cấm. Dự luật ​​này đã được hỗ trợ bởi 338 dân biểu, 88 nhà lập pháp bỏ phiếu chống. Dự luật này sẽ dẫn đến những cải cách trong phương pháp thu thập thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia. Theo đó, việc lưu trữ các thông tin sẽ do các công ty viễn thông thực hiện. Muốn nhận thông tin chi tiết các cuộc hội thoại của bất kỳ cá nhân nào, cơ quan an ninh phải được sự cho phép của tòa án đặc biệt. Hiện dự luật đang chờ thượng viện Mỹ thông qua. Nếu Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê duyệt.


Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên ngày 14/5 tiếp tục diễn tập bắn đạn thật trong ngày thứ hai liên tiếp tại khu vực biên giới trên biển phía Tây giáp với Hàn Quốc. Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập pháo kích bắt đầu từ lúc 19 giờ 10 phút giờ địa phương (17 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ở gần Giới tuyến phía Bắc (NLL), nhưng không có quả đạn nào rơi xuống vùng biển phía Nam ranh giới này. 

MỚI - NÓNG