THẾ GIỚI 24H: Cảnh báo Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Nga và NATO

THẾ GIỚI 24H: Cảnh báo Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Nga và NATO
TPO - Lãnh đạo các nước Phương Tây nên thay đổi lập trường trong quan hệ với Nga, nếu không có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện.

Phân tích trên tờ "The National Interest" (Mỹ), chuyên gia Ted Galen Carpenter cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên giảm áp lực lên Nga và nên tôn trọng các lợi ích và phạm vi ảnh hưởng của nước này. Theo bài báo, các nhà lãnh đạo Phương Tây đã phớt lờ ý kiến của Moscow, thông qua quyết định triển khai thêm 4 tiểu đoàn NATO sát gần biên giới phía Tây của Nga. NATO tin chắc rằng quyết tâm hành động của họ có thể ảnh hưởng đến Moscow, nhưng, ở châu Âu và Mỹ, có rất ít người nhận thức được rằng Nga coi việc mở rộng NATO về phía Đông là sự đe dọa trực tiếp tới lợi ích an ninh quốc gia.


Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov ngày 18/6 tuyên bố các thỏa thuận Minsk đã lâm vào bế tắc do phía chính quyền Ukraine không muốn thực hiện. Theo ông Ivanov, việc thực thi các thỏa thuận này chủ yếu phụ thuộc vào chính quyền Kiev, chứ không phải Moskva, và hiện đang "bị lợi dụng như một cái cớ."


Truyền hình Quốc gia Syria đưa tin Tổng thống Bashar al-Assad đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhân chuyến thăm của ông này tới thủ đô Damascus, trong đó hai bên đã trao đổi về hợp tác quân sự. 

THẾ GIỚI 24H: Cảnh báo Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Nga và NATO ảnh 1

Các phương tiện truyền thông quốc gia Syria không tiết lộ bất cứ chi tiết nào về chuyến thăm không báo trước của ông Shoigu, người được Tổng thống Vladimir Putin cử tới Damascus.


Ngày 7/7 tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan tới đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc vạch ra ở Biển Đông. Để bàn thảo đối sách sau khi PCA ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhóm họp khẩn cấp. Trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đẩy mạnh du thuyết các nước ủng hộ lập trường của mình. 


Giới chức quân sự Nga khẳng định sẽ có các phương án đáp trả đối với bất kỳ hành động nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tăng cường về biên giới phía Đông của liên minh quân sự này. Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Yevgeny Lukyanov nhấn mạnh: “Không có gì phải lo lắng. Nga sự đáp trả sẽ đầy đủ, hiệu quả”. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 18/6, đối tượng Thomas Mair - kẻ đã sát hại dã man nữ nghị sĩ Anh Jo Cox đã được đưa ra Tòa án Westminster ở Thủ đô London để chính thức nghe thẩm phán công bố các tội danh bị truy tố là hành hung, giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và một tội danh khác về vũ khí. Trước tòa, Thomas Mair tỏ ra ngoan cố và ngạo mạn khi thẩm phán hỏi tên của y. Thomes Mair tuyên bố tên của hắn là "thần chết của những kẻ phản bội và tự do của nước Anh".


Ngày 18/6, cảnh sát Bỉ thông báo việc phá thành công một âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào trận đấu giữa ĐT Bỉ và CH Ireland sau một cuộc bố ráp tối thứ 6 và sáng sớm thứ 7 ( giờ Bỉ) tại 152 ngôi nhà và gara ô tô tại thủ đô Brussels và Liege, những khu vực đông người Hồi giáo nhất. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 18/6, Văn phòng công tố liên bang Bỉ cho biết ba đối tượng đã bị buộc tội "âm mưu giết người có tính chất khủng bố" và tham gia các hoạt động của một tổ chức khủng bố, tiếp sau những cuộc truy quét trên toàn quốc. Ba người bị buộc tội, mang tên Samir C., Moustapha B. và Jawad B., nằm trong số 12 nghi can bị bắt giữ trong các cuộc truy quét nói trên. Chín người còn lại đã được trả tự do sau khi thẩm vấn.


Ngày 18/6, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hoan nghênh quyết định tham gia trừng phạt Triều Tiên của 9 nước không thuộc EU. Danh sách các nước Châu Âu tham gia trừng phạt Triều Tiên gồm: Macedonia và Serbia, hai nước đã nộp đơn xin gia nhập EU, Bosnia Herzegovina, nước được cho là có khả năng sẽ nộp đơn xin gia nhập EU và các nước thuộc Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) như Na Uy, Iceland và Liechtenstein.


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/6 cảnh báo rằng cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn phương án Brexit tức là nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý vào tuần tới sẽ tác động "tiêu cực và mạnh mẽ" tới nền kinh tế Anh. 

THẾ GIỚI 24H: Cảnh báo Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Nga và NATO ảnh 2

Theo phân tích của IMF, nếu nước Anh rời khỏi EU, GDP của nước này sẽ giảm 0,8% trong năm 2017. Ngược lại nếu vẫn là thành viên EU kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,2%. 

MỚI - NÓNG