THẾ GIỚI 24H: Châu Âu ra điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga

Tổng thống Pháp Macron (thứ 2 từ trái sang) và Tổng thống Nga Putin (thứ 3 từ trái sang) tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018
Tổng thống Pháp Macron (thứ 2 từ trái sang) và Tổng thống Nga Putin (thứ 3 từ trái sang) tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018
TPO - Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2018, Tổng thống Pháp Emanuel Macron nhấn mạnh, châu Âu sẽ không dỡ bỏ trừng phạt Nga nếu vấn đề Ukraine không tiến triển.

Tuyên bố này được xem là điều kiện của châu Âu để gỡ nút thắt trong mối quan hệ căng thẳng với Nga trong thời gian qua. Theo nhà lãnh đạo Pháp Macron, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhóm họp vào tháng 7 tới để xem xét việc gia hạn các lệnh trừng phạt vốn được áp đặt với Nga từ năm 2014 do liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, EU đã gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa, theo đó liên minh này sẽ tiếp tục hạn chế đi lại, cũng như đóng băng tài sản đối với 150 cá nhân và 38 công ty của Nga. Cũng từ năm 2014, Nga đã có những biện pháp mạnh nhằm đáp trả đòn trừng phạt kinh tế của EU. Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau gây thiệt hại khá nặng nề cho nền kinh tế của hai bên. 


Một thành viên của đảng Lao động Triều Tiên - Tướng lục quân Kim Su-gil vừa được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên, dẫn tới đồn đoán động thái này có thể nhằm tăng cường quản lý của đảng đối với quân đội. Việc ông Kim Su-gil trở lại quân đội có thể cho thấy Bình Nhưỡng muốn đảng Lao động Triều Tiên gia tăng kiểm soát các lưc lượng vũ trang. Ông Kim Su-gil được bổ nhiệm vào vị trí mới có thể đã diễn ra tại cuộc họp của Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 17.5.


Ngày 26/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng Bình Nhưỡng cần hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Phát biểu trong một buổi họp báo, Tổng thống Putin cho biết cả Nga và Nhật Bản đều quan tâm đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Putin, sự kiềm chế và biện pháp ngoại giao đóng vai trò vô cùng quan trọng. Về phần mình, Thủ tướng Abe khẳng định Triều Tiên cần phải tiến hành công tác phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ và có thể xác minh.


Ngày 26/5, hãng truyền thông Funke của Đức đã công bố một bản báo cáo, trong đó cho biết giới chức Berlin đã phát hiện và nhận dạng 89 người theo chủ nghĩa cực đoan cùng 24 người Hồi giáo hoạt động trong hàng ngũ quân đội nước này kể từ năm 2011 đến nay. Theo báo cáo của Funke, 67 trường hợp bị phát hiện vào thời điểm trước khi tạm dừng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ ngày 1/7/2011. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết có hơn 300 trường hợp bị tình nghi là người theo đạo Hồi trong hàng ngũ của quân đội Đức kể từ năm 2011, song có tới 200 trường hợp vẫn chưa được xác minh.


Chính quyền Afghanistan bắt đầu nhận đăng ký của các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào ngày 20/10 tới sau nhiều lần trì hoãn. Theo Người đứng đầu Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan Gula Jan Badi Sayad, dự kiến sẽ có hàng trăm ứng cử viên tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương sắp tới tại nước này. Các điểm đăng ký sẽ mở cửa trong 12 ngày. Các số liệu thống kê cho thấy, tới thời điểm hiện nay mới chỉ có khoảng 3 triệu 200 người đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, cao hơn so với những dự báo trước đó, thấp hơn so với kỳ vọng của Ủy ban bầu cử độc lập là 14 triệu người trong vòng 2 tháng, bắt đầu từ ngày 14/4 vừa qua.


Một tướng cấp cao của quân đội Mỹ vừa cho biết, ông đang tìm cách triển khai thêm nhiều binh lính, máy bay do thám và nhiều nguồn lực khác đến châu Âu để duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ và tạo thêm sức ép lên Nga. Tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh tối cao quân đội NATO và lãnh đạo Bộ Chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ, vừa khẳng định, răn đe Nga là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ông. “Nguồn lực dành cho chống khủng bố cần được điều chỉnh. Về vấn đề xây dựng lực lượng, việc có thêm nguồn lực trên bộ, trên không và trên biển sẽ giúp tôi làm công việc răn đe nước Nga một cách tốt hơn và cho chúng ta hiểu hơn về cách họ đang hoạt động”, ông Scaparrotti nói sau một cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước châu Âu vào hôm 24-5.


Ngày 25-5, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 5 nghi phạm và thu giữ một số lượng lớn vũ khí ở một số tỉnh được cho là có liên quan đến một âm mưu của lực lượng Áo đỏ nhằm gây rối trong cuộc biểu tình kêu gọi bầu cử. Các nghi phạm bị bắt giữ gồm Wichan Rakchart, 34 tuổi; Prakongsri Siriman, 39 tuổi; Winas Prikpet, 34 tuổi; Praditthong Chaipanha, 58 tuổi, và Sombat Kaeosuk, 29 tuổi. Các loại vũ khí bị thu giữ bao gồm súng trường, súng lục, đạn dược và lựu đạn các loại, bao gồm cả 10.000 viên đạn 5.56mm được tìm thấy trên một chiếc Honda Civic bạc tại một điểm kiểm tra ở Yo Nok thuộc quận Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-un nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao vào ngày 1/6 tới. Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA mới đây cho biết, tại cuộc gặp ngày hôm qua với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Nhà lãnh đạo nước này Kim Châng-un đã khẳng định quyết tâm của mình tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 12/06 tới tại Singapore với Tổng thống Donald Trump. Theo KCNA, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được “sự nhất trí đáng hài lòng”. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-un đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước vào ngày 1/6 tới.


Quân đội Mỹ vừa thông báo với Đức về việc đưa thiết bị quân sự hạng nặng tới một số địa điểm chiến lược ở Đông Âu và khu vực Baltic trong khuôn khổ hoạt động mang tên "Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương". Chiến dịch này chủ yếu do Mỹ dẫn đầu nhằm phô trương lực lượng ở gần biên giới của Nga với châu Âu sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.Theo trang Defense News, lần triển khai này gồm khoảng 3.300 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Thiết giáp số 1 và Sư đoàn Kỵ binh số 1 tại căn cứ Fort Hood, bang Texas - Mỹ và 2.500 thiết bị quân sự, trong đó có 87 xe tăng Abrams, 140 xe chiến đấu Bradley, 18 khẩu pháo Paladin… Tất cả thiết bị quân sự đã được vận chuyển bằng đường biển tới TP Antwerp - Bỉ vào cuối tuần rồi.


Mỹ vừa cảnh báo sẽ có hành động thích hợp và rõ ràng nếu quân đội Syria vi phạm lệnh ngừng bắn sau khi có thông tin về sự đối đầu quân sự ở khu vực giảm thiểu quân sự miền tây bắc Syria. “Với tư cách là một nước đảm bảo cho khu vực giảm thiểu căng thẳng bên cạnh Nga và Jordan, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp phản ứng rõ ràng và thích hợp đối với sự vi phạm lệnh ngừng bắn của quân đội Syria”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG